Khoảng trống năng lực tiếp cận thông tin của lao động dệt may

PVH
21/05/2025 - 22:46
Khoảng trống năng lực tiếp cận thông tin của lao động dệt may

Lao động nữ tại xưởng may gia công. Ảnh minh họa: HH

Thực tế cho thấy, trình độ nhận thức, cơ hội tiếp cận thông tin của lao động dệt may, đặc biệt là thông tin về chế độ, chính sách vẫn là "vùng trống" với không ít công nhân, đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thách thức trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của lao động dệt may

Báo cáo Khảo sát tiêu dùng năm 2024 của Liên minh Sàn Lương châu Á về đời sống công nhân may mặc ở 8 quốc gia châu Á (Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam) cho thấy, ngành may mặc tại Việt Nam có lực lượng lao động hơn 2,7 triệu người; hơn 70% là lao động nữ, đây là một trong những ngành cung cấp việc làm lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, hơn 55% số công nhân được hỏi có độ tuổi ít hơn 35 tuổi và chỉ có 13% người tham gia là trên 45 tuổi.

Đặc biệt, ngành may mặc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng thấp, với 1/3 số công nhân tham gia chỉ có trình độ học vấn đến cấp tiểu học, 37% là có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học. Cũng có 20% số công nhân có trình độ học vấn ở mức cao đẳng và đại học. Điều này cho thấy, bản thân ngành may mặc thường xuyên sử dụng công nhân có trình độ và kỹ năng thấp. Điều này có tác động đáng kể đến mức lương của người lao động cũng như tiềm năng thăng tiến trong ngành và vị trí công việc của công nhân.

Thực tế cho thấy, trình độ nhận thức, cơ hội tiếp cận thông tin của lao động dệt may, đặc biệt là thông tin về chế độ, chính sách vẫn là "vùng trống" với không ít công nhân. Chị Trần Thị Hảo, công nhân may tại xưởng may tại Cầu Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, làm công thời vụ tại xưởng may cho người cùng làng hơn 3 năm nhưng công việc khá bấp bênh; khi thì tăng ca tối ngày, khi lại ngồi chơi. Chế độ lương bổng tính theo ngày khoảng 250 ngàn đồng. Chị Hảo cũng thừa nhận rằng, khi nhận việc, chị chỉ quan tâm tới tiền lương được trả là bao nhiêu; các quyền lợi khác như bảo hiểm, hỗ trợ, ốm đau, thai sản..., chị biết khá mù mờ.

Là chủ cơ sở may tại khu vực Ga Tía (huyện Thường Tín, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Huyền cho biết, xưởng của gia đình chị đang có 40 lao động thường xuyên. Chị Huyền nhận định: Ở vùng nông thôn, hạn chế lớn nhất của chị em lao động là ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao trình độ. Bản thân chị Huyền là chủ xưởng nhưng cũng ít khi cập nhật thông tin.

Đầu năm nay, hợp đồng nhận gia công về khá nhiều, công nhân phải tăng ca, thu nhập cũng tăng lên. Tuy nhiên, chị Huyền khá ngạc nhiên kể từ tháng 4/2025, các hợp đồng mới bị "hẫng" lại đột ngột. Khách hàng dừng hợp đồng mới vì phải nghe ngóng thông tin thuế quan của Mỹ. Chị Huyền thừa nhận: "Thiếu thông tin, hạn chế cập nhật kiến thức làm cho bản thân chị em rất thiệt thòi, bị động, thiếu nhạy cảm và không chuyển đổi kịp thời trong sản xuất kinh doanh".

ThS. Nguyễn Hoàng Mai, Luật gia, giảng viên chính Trường Đại học Công đoàn, cho biết: Quyền tiếp cận thông tin của người lao động là yếu tố quyết định trong việc xây dựng môi trường làm việc minh bạch, công bằng và ổn định; tuy nhiên, việc thực thi quyền này lại đối mặt với nhiều thách thức.

Rào cản nổi bật hiện nay trong ngành dệt may là việc tiếp cận thông tin của người lao động còn hạn chế do nguồn thông tin còn thiếu và không đảm bảo. Theo Chương trình Better Work Việt Nam năm 2023, 18% nhà máy có nội quy lao động chưa phù hợp pháp luật, 9% không phổ biến chính sách phòng chống quấy rối tình dục, 32% có hành vi không an toàn về điện; khoảng 25% nhà máy chưa trang bị hoặc duy trì hệ thống báo cháy hiệu quả. "Đây là minh chứng cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công khai thông tin liên quan đến quyền lợi và điều kiện làm việc của người lao động" - bà Nguyễn Hoàng Mai nói.

Khoảng trống năng lực tiếp cận thông tin của lao động dệt may- Ảnh 1.

Phần lớn lao động nữ ngành dệt may là có trình độ học vấn phổ thông, là một trong những rào cản năng lực tiếp nhận thông tin, nâng cao trình độ. Ảnh minh hoạ

Tăng cường thông tin tạo ra sự phát triển bền vững

Tại hội thảo "Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động dệt may Việt Nam - Thực trạng và giải pháp", do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức mới đây, ông Cao Mạnh Cường - Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ - cho biết, lao động trẻ ngành dệt may có nhiều khả năng để tiếp cận công nghệ, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nội bộ như: tiền lương, hợp đồng, bảo hiểm xã hội, nội quy lao động... Nếu thông tin thiếu minh bạch sẽ khiến người lao động trẻ cảm thấy hoài nghi, thụ động, giảm động lực và lòng tin với doanh nghiệp. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp cần có thông tin rõ ràng về tiêu chí thăng tiến, cơ hội đào tạo, các kỳ đánh giá…, để người lao động nỗ lực lao động, đặt mục tiêu và có định hướng cống hiến tâm sức cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), chiếm hơn 88%, thường không có bộ phận nhân sự chuyên trách, thiếu kinh phí đầu tư vào hệ thống thông tin nội bộ. Thông tin chủ yếu được truyền đạt qua thông báo giấy, truyền miệng, họp nhóm đầu ca, nhóm mạng xã hội như Zalo, Facebook - tuy thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhưng thiếu tính hệ thống, dễ sai lệch, khó kiểm chứng và không lưu trữ được.

Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp - Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, việc tiếp cận thông tin của người lao động hạn chế, thôn tin không minh bạch, dẫn đến một hệ quả trực tiếp: "Mất lòng tin trong quan hệ lao động". Người lao động không nắm rõ chính sách, dễ hiểu sai, nghi ngờ doanh nghiệp "giấu thông tin". Thiếu sự đối thoại, trao đổi thông tin sẽ khiến gia tăng những mâu thuẫn, tích tụ dần và bùng phát dưới hình thức tranh chấp, nghỉ việc tập thể, doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững.

Báo cáo thường niên năm 2023 của chương trình Better Work Việt Nam (Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC), chỉ ra rằng nhiều công nhân trong ngành dệt may, đặc biệt là lao động nữ, không được cung cấp đầy đủ thông tin về quyền lợi và chính sách lao động. Điều này dẫn đến việc họ không nhận thức được các quyền lợi mà mình được hưởng theo luật lao động và các tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm:

Thiếu các kênh truyền thông hiệu quả về chính sách, và quyền lợi không được truyền đạt một cách hiệu quả đến công nhân, đặc biệt là trong các nhà máy nhỏ và vừa.

Hạn chế trong đào tạo và giáo dục, công nhân thường không được tham gia các chương trình đào tạo hoặc hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi lao động.

Rào cản ngôn ngữ và trình độ học vấn, đặc biệt là lao động di cư hoặc có trình độ học vấn thấp, gặp khó khăn trong việc hiểu và tiếp cận thông tin về chính sách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm