Theo tài liệu tố tụng, bà đã sử dụng phấn rôm của Johnson & Johnson hàng ngày từ những năm 1950 cho tới năm 2016. Năm 2007 bà bị chẩn đoán ung thư buồng trứng và bà cáo buộc nguyên nhân là do phấn rôm của Johnson & Johnson.
Ông Mark Robinson, luật sư của bà Echeverria, cho biết thân chủ của ông đang trong giai đoạn điều trị ung thư. Bà hy vọng phán quyết của bồi thẩm đoàn sẽ buộc Johnson & Johnson phải bổ sung các thông tin cảnh báo nguy hiểm lên bao bì sản phẩm của họ. Ông Robinson nói: "Bà Echeverria đang chết dần chết mòn vì ung thư buồng trứng và bà ấy nói với tôi rằng, tất cả những gì bà mong muốn chỉ là giúp những phụ nữ khác trên toàn nước Mỹ đã bị ung thư buồng trứng vì sử dụng sản phẩm của Johnson & Johnson trong 20 hay 30 năm".
Bồi thẩm đoàn thuộc Tòa án Los Angeles đã yêu cầu hãng Johnson & Johnson bồi thường 417 triệu USD cho bà Echeverria về những tổn thương bà phải gánh chịu. Đây là phán quyết đặt ra mức phạt lớn nhất với Johnson & Johnson. Có thể nói đây là một đòn nặng nề cho hãng Johnson & Johnson vốn đang đối mặt với 4.800 đơn kiện tương tự trên toàn nước Mỹ.
Bà Goodrich cũng trích dẫn báo cáo khoa học công bố hồi tháng 4 của Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Mỹ, trong đó nhấn mạnh phần lớn các bằng chứng không cho thấy việc tồn tại mối liên hệ giữa ung thư buồng trứng và tác hại của chất bột talc đối với bộ phận sinh dục.
Talc là một khoáng chất có trong tự nhiên chứa các thành phần magie, silic, oxy và hydro. Từ lâu chất bột này đã được sử dụng trong công nghiệp chế tạo các sản phẩm như gạch men, lốp cao su, mỹ phẩm, giấy việt hoặc phụ gia làm trắng trong sơn... Trong khi đó, thành phần chủ yếu trong phấn rôm là bột Talc. Với khả năng thấm nước, dầu và hút mùi nên sản phẩm này được nhiều người sử dụng, trong đó nhiều phụ nữ thường dùng để thoa vào những vùng da dễ ra mồ hơi, giúp da thông thoáng và khử mùi.
Vụ kiện này tiếp nối nhiều vụ xử phạt trước đó. Tháng 5/2017, Bồi thẩm đoàn thành phố St. Louis, bang Missouri, miền Trung Tây nước Mỹ cũng đã ra phán quyết yêu cầu Johnson & Johnson bồi thường thiệt hại 307 triệu USD trong một vụ án tương tự khiến một phụ nữ tử vong vì ung thư buồng trứng sau khi sử dụng phấn rôm của hãng một thời gian dài.
Đó chính là bà Lois Slemp (62 tuổi), người đang trải qua quá trình hóa trị sau khi được chẩn đoán ung thư buồng trứng năm 2012, sau đó lan đến gan của bà. Slemp bị ung thư sau 40 năm dùng các sản phẩm chứa bột talc do Johnson & Johnson sản xuất, trong đó có Johnson & Johnson Baby Powder và Shower to Shower Powder.
Tháng 2/2016, Bồi thẩm đoàn thành phố St. Louis đã yêu cầu tập đoàn Johnson & Johnson bồi thường 72 triệu USD cho gia đình bà Jacqueline Fox, một phụ nữ tử vong vì ung thư buồng trứng. Bà Fox sống ở Birmingham, bang Alabama, đã dùng phấn rôm và sữa tắm em bé hơn 35 năm trước khi phát hiện bị ung thư buồng trứng năm 2013. Bà qua đời hồi tháng 10/2015 năm 62 tuổi.
Tháng 5/2016, Johnson & Johnson phải bồi thường 55 triệu USD cho một phụ nữ bị ung thư buồng trứng sau khi dùng các sản phẩm của công ty này. Phán quyết khác yêu cầu Johnson & Johnson bồi thường thiệt hại cho nạn nhân tháng 10/2016 với số tiền là 67,5 triệu USD.