Kể chuyện mưu sinh của trẻ em đường phố qua triển lãm "24 giờ trên phố"

Minh Anh - Ảnh: T.L
02/12/2020 - 13:35
Kể chuyện mưu sinh của trẻ em đường phố qua triển lãm "24 giờ trên phố"
Triển lãm “24 giờ trên phố” có thể coi như thước phim ghi lại hành trình cuộc sống xen lẫn với những nỗi niềm, tiếng lòng của trẻ đường phố qua các câu chuyện chân thực, dung dị nhất mà có lẽ các em ít chia sẻ cùng ai.

Sáng 2/12, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai mạc triển lãm 24 giờ trên phố, phản ánh câu chuyện mưu sinh và những khó khăn mà trẻ em đường phố phải đối mặt. Tham dự lễ khai mạc có bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết – Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng nhiều vị khách quý khác.

Kể chuyện mưu sinh của trẻ em đường phố bằng triển lãm  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu trong lễ khai mạc

Triển lãm 24 giờ trên phố do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, tổ chức nhằm thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 và hưởng ứng chủ đề năm của Hội LHPN Việt Nam An toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong đó nhấn mạnh chủ đề Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Nhân vật chính trong triển lãm 24 giờ trên phố là những đứa trẻ thiếu may mắn, phải mưu sinh trên những vỉa hè ở thành thị. Các em thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội: bạo lực gia đình, xâm hại, bóc lột sức lao động, thiếu thốn vật chất và tinh thần… điều đó gây nên những tổn thương lớn về mặt tâm lý và thể chất về lâu dài.

Triển lãm được chia thành 3 chủ đề: Ngày ấy đã từng, 24 giờ trên phố, Tìm về chốn bình yên. Có thể xem triển lãm như thước phim ghi lại hành trình cuộc sống xen lẫn với những nỗi niềm, tiếng lòng của những đứa trẻ đường phố qua các câu chuyện chân thực, dung dị nhất mà có lẽ các em ít chia sẻ cùng ai.

Kể chuyện mưu sinh của trẻ em đường phố bằng triển lãm  - Ảnh 2.

Một bức ảnh trưng bày trong triển lãm

Những hình ảnh và câu chuyện trong triển lãm trở nên gần gũi hơn nhờ một phần nội dung sử dụng phương pháp photovoice, khi chính các em là người ghi lại và chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống đường phố của mình.

Cùng việc nghiên cứu các tài liệu, xin ý kiến các chuyên gia, nắm bắt dư luận xã hội qua các kênh truyền thông; nhóm nghiên cứu tiếp xúc trực tiếp với hàng chục ca trẻ em lao động trên đường phố nhưng chỉ được 9 em đồng ý tham gia kể câu chuyện của mình. Để nội dung triển lãm chân thực, các cán bộ bảo tàng đã dành rất nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi lòng tin, tình cảm để các em có thể chia sẻ những góc khuất trong cuộc sống của mình.

Bên cạnh những góc khuất đầy nguy cơ, bất trắc ấy, chuyện của các em đang ánh dần lên niềm tin về một tương lai tươi sáng, những ước mơ đã và đang được chắp cánh nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, các Bộ, ban, ngành, của Hội LHPN các cấp, của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân thiện nguyện.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương và Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trao quà cho các em nhỏ là nhân vật chính của triển lãm

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương và Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trao quà cho các em nhỏ là nhân vật chính của triển lãm

Phát biểu tại khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá: "Các hình ảnh và câu chuyện trong triển lãm đã phản ánh sinh động cuộc sống khó khăn, những khó khăn bất trắc và tệ nạn xã hội mà các em từng đối mặt đã góp phần khẳng định vai trò của mái ấm gia đình và cần thiết phải có sự chung tay của toàn xã hội để đảm bảo an toàn cho các em".

Với thông điệp An toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội, triển lãm 24 giờ trên phố giúp công chúng thêm hiểu và cảm thông cho những số phận thiệt thòi ấy. Đồng thời mỗi chúng ta cần thấy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy, giúp đỡ và phát triển toàn diện trẻ em, làm thế nào để trẻ cảm thấy an toàn trong chính gia đình của mình và trong cộng đồng.

Kể chuyện mưu sinh của trẻ em đường phố bằng triển lãm  - Ảnh 4.

Hình ảnh Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa ký cam kết hưởng ứng phòng chống bạo lực tại Lễ Mít tinh hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phóng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, "Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bác Kạn tổ chức được trưng bày trong triển lãm "24 giờ trên phố"

Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em đã có nhiều hoạt động thiết thực để chung tay cùng xã hội giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn đến thực trạng trẻ em đường phố hiện nay. Hội đã tham mưu, đề xuất, giám sát, phản biện xã hội xây dựng chính sách, pháp luật vì quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ trẻ em, phụ nữ.

Các hoạt động của Hội đã có sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và hội viên phụ nữ các cấp. Cùng với trưng bày tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, triển lãm 24 giờ trên phố sẽ được tthực hiện phiên bản triển lãm online. Việc thực hiện triển lãm online là kết quả của quá trình chuyển đổi hoạt động số cho các công tác chuyên môn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm tới nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm