Trong quá trình trưởng thành, mỗi người chúng ta đều có những trải nghiệm khác nhau, có thể đó là một tuổi thơ quậy phá, nghịch ngợm hay một khoảng thời gian hồn nhiên, êm đềm hạnh phúc. Tuy nhiên với một số người, trải nghiệm trưởng thành của họ là nỗi ám ảnh cả đời và những từ ngữ như “ghê tởm”, “ám ảnh”, “bàng hoàng”, “tuyệt vọng”… đi theo đến hết phần đời còn lại của họ. Họ là những nạn nhân của xâm hại tình dục và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác.
Không những thế, họ còn chịu thêm nhiều tổn thương từ thái độ, lời nói của những người xung quanh và xã hội khi đổ lỗi cho nạn nhân, thậm chí từ cả những người họ tin tưởng và yêu quý nhất.
Dự án ‘BRAVE - Vì bạn được tin’ với sự tài trợ của Chính phủ Úc, 3 tổ chức Care, iSEE và CSAGA cùng thực hiện tập trung giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới qua việc thay đổi văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân.
Dự án kéo dài 3 năm với nhiều hoạt động khác nhau nhằm tìm ra những căn nguyên của vấn đề, thay đổi cách công chúng, báo chí nói về nạn nhân, người gây ra bạo lực, nguyên nhân dẫn đến bạo lực, xâm hại tình dục, và chỉ ra những cách ứng xử phù hợp cho những người được nạn nhân chia sẻ về sự việc.
Theo bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam: ‘Vì bạn được tin’ khởi động từ tháng 5/2018 và mong muốn truyền đi thông điệp, bạn phải có trách nhiệm với sự tin tưởng và thông tin mà bạn được chia sẻ. Bạn không đổ lỗi cho nạn nhân mà góp phần giúp họ ít bị tổn thương hơn, có thể đứng dậy sau biến cố. Khi nạn nhân lên tiếng và được cộng đồng ủng hộ cũng là cách tạo cho họ môi trường an toàn hơn. “Trên thực tế, rất nhiều người trong số các nạn nhân xâm hại tình dục và bạo lực giới đã đứng dậy và trở thành những người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng, giúp đỡ những phụ nữ khác thay đổi cuộc sống”.
Tại lễ khởi động dự án, nhóm nghiên cứu của Viện iSEE cũng chia sẻ nghiên cứu ‘Phía sau ngôn từ’ phân tích diễn ngôn về bạo lực giới và văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân được thể hiện trên báo chí và trong câu chuyện được nạn nhân chia sẻ ẩn danh trên trang Facebook “S.O.S - Sharing our Stories”.
Cùng xem một số hình ảnh về góc trưng bày, để hiểu hơn về câu chuyện của các nạn nhân bị xâm hại tình dục theo một cách rất độc đáo: