Uốn nắn con gái tuổi teen "siêu bừa bộn"

Giao Linh
04/06/2020 - 20:30
Uốn nắn con gái tuổi teen "siêu bừa bộn"

Ảnh minh họa

Mỗi lần vào phòng của cô con gái 13 tuổi, anh Hoàng Xuân Văn (Long An) lại không kiềm chế được cơn tức giận. Căn phòng bừa bộn nhếch nhác nhưng con gái vẫn chẳng chịu bắt tay vào dọn dẹp.

Vợ chồng anh Xuân ly hôn khi con còn nhỏ. Anh là dân xây dựng, nay đây mai đó với các công trình. Anh gửi con gái ở cùng bà và bác gái. Vài tuần, thậm chí hơn 1 tháng, anh mới về thăm con. Thương con chịu nhiều thiệt thòi nên mỗi lần về nhà, anh vô cùng chiều chuộng con. Mọi việc khác của con, anh không để ý.

Gần đây, anh Xuân tái hôn. Anh không thể ngờ, mối quan hệ giữa mẹ kế - con chồng lại phức tạp đến thế. Không phải người vợ mới của anh thù ghét gì con chồng mà do tính bừa bãi, lôi thôi, luộm thuộm của cô con gái khiến mối quan hệ của họ khó tốt đẹp được.

Kế hoạch uốn nắn con gái tuổi teen không dùng biện pháp mạnh của bố và mẹ kế - Ảnh 1.

Con gái quá bừa bộn và luộm thuộm (Ảnh minh hoạ)

Cũng bởi những năm con còn bé, bà nội và bác gái vì thương con nên không bắt con động tay động chân vào việc gì. Con ăn uống xong, bà đến tận nơi bê từng cái bát đi rửa. Quần áo của con cũng do bà và bác gấp. Con có thói quen thay quần áo rồi vất luôn xuống dưới đất vì ngay sau đó sẽ có bà nội thu dọn và cho vào máy giặt. Từ khi học lớp 1, con không có thói quen sắp xếp sách vở. Thế nên, bàn học của con lúc nào cũng bừa bộn sách vở, bút, mực... Có không ít lần con cuống cuồng tìm quyển vở mình cần để đi học mà không thấy, vậy là bà và bác lại xúm vào tìm giúp con. Khi con gặp khó khăn việc gì thì cũng đều có bà và bác hỗ trợ. Thế nên, con không có trách nhiệm và cũng chẳng lo lắng trước bất cứ việc gì.

Giờ bà nội và bác không ở cùng, cô con gái bước vào tuổi dậy thì càng trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Nó để mặc mẹ kế bận bịu làm hết việc nọ đến việc kia, chỉ ngồi chơi chờ đến bữa ăn cơm.

Không làm việc nhà đã đành, con gái anh vẫn giữ thói quen "buông quăng bỏ vãi". Chỗ nào trong nhà cũng có "dấu tích" của con bé để lại. Gói bim bim ăn xong, nó vứt vỏ luôn trên bàn, những vụn bim bim giăng trên sofa nó cũng để mặc. Trong phòng nó là "bãi rác" thực sự khi quần áo rải từ trên giường xuống sàn, các góc trong phòng. Đồ ăn nó để mỗi nơi một ít. Không chỉ mẹ kế mà anh Xuân cũng rất tức giận khi con gái không thể sống ngăn nắp dù chỉ một ngày.

Người mẹ kế dù ngày nào cũng dạy con riêng của chồng từng li từng tí nhưng đâu lại vào đấy. Thậm chí, nếu không được nhắc nhở, cô bé có thể không tắm cả tuần, không đánh răng buổi sáng mà đi học luôn. Đặc biệt, ở vào tuổi dậy thì, cô bé chưa biết vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt dù đã được mẹ kế dạy rất kỹ càng. Thậm chí, thay băng vệ sinh xong, cô bé để "chình ình" luôn ở trong toilet.

Anh Xuân cảm thấy bất lực khi con gái có những thói quen rất xấu như vậy. Nếu quay lại được quá khứ, anh sẽ ở bên con nhiều hơn, uốn nắn con từ những việc nhỏ nhất. Giờ muốn thay đổi cô con gái tuổi dậy thì, anh và vợ sẽ không thể dùng biện pháp mạnh bởi con sẽ càng ác cảm với mẹ kế. Vợ chồng anh sẽ quan tâm, thông cảm với con nhiều hơn, sẽ chăm sóc con nhẹ nhàng và không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con.

Anh tin rằng, những câu chuyện nho nhỏ hàng ngày xảy ra với những người xung quanh và cách xử trí của họ chính là bài học tốt nhất để dạy con. Vì thế, thay vì chỉ bảo con phải làm việc này việc kia, anh sẽ kể cho con nghe các câu chuyện vấp váp của người khác. Cách chia sẻ tế nhị này sẽ giúp con hoàn chỉnh bản thân tốt hơn những lời giáo huấn. Thỉnh thoảng, anh khuyến khích con mời bạn bè đến nhà chơi. Khi ngại bạn chê trách, chắc chắn con sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm