"Kéo" công nhân ra khỏi vòng vây của “tín dụng đen” dịp cuối năm

Nguyễn Hải Phong
19/01/2024 - 18:18
"Kéo" công nhân ra khỏi vòng vây của “tín dụng đen” dịp cuối năm

Công nhân, người lao động là nhóm đối tượng dễ vướng vào “tín dụng đen”. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần

Thời điểm cuối năm âm lịch, nhu cầu chi tiêu của nhiều người tăng cao nên nạn “tín dụng đen” có cơ hội bùng phát. không ít công nhân, người lao động trở thành nạn nhân.
Bất an vì trót vướng vào "tín dụng đen"

Công nhân vốn là nhóm người lao động có thu nhập trung bình và nhạy cảm với các biến động của thị trường. Trước những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống, đa số công nhân thường không có đủ dự phòng tài chính để trang trải.

Vì nhu cầu cấp bách, để trang trải cuộc sống, không ít công nhân mong muốn vay tín chấp không tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy lại phải tuân thủ theo quy trình thẩm định, giải ngân và nhiều thủ tục khác.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều công nhân có nhu cầu vay nhưng lại bị các tổ chức tài chính chính quy từ chối vì không đủ điều kiện thu nhập, thiếu giấy tờ, có nợ xấu… Cũng từ đó, một bộ phận công nhân lao động đã lựa chọn hình thức vay "tín dụng đen" như giải pháp duy nhất để vượt qua khó khăn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy.

Từng phải trải qua quãng thời gian sống bất an với khoản vay từ tín dụng đen, chị Bùi Thị P. (28 tuổi, quê quán tại huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại chuyện cũ. Đó là thời điểm năm 2022, khi chị P. còn làm việc tại Công ty TNHH Goertek Vina (KCN Quế Võ 1, Bắc Ninh).

Gần cuối năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm ít nên chị P. phải vay mượn tiền bên ngoài để trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình. Thông qua bạn bè, chị P. đã cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại và hoàn tất thủ tục vay số tiền 30 triệu đồng qua app "tín dụng đen" với số tiền phải trả hàng tháng là 3,5 triệu đồng (cả gốc và lãi) trong vòng 12 tháng.

 Mặc dù mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với khi vay tại các tổ chức tài chính chính quy nhưng chị P. chấp nhận vì cần tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt. Cũng kể từ đó, nhiều hệ lụy, phiền toái đã đến với chị P.

Nữ công nhân này chia sẻ, mặc dù chưa đến ngày đóng tiền nhưng chị liên tục nhận được những cuộc gọi hối thúc đến từ chủ nợ bất kể ngày đêm. "Có hôm, tôi đang trong ca làm, không thể nghe máy được, đến lúc mở máy ra thì thấy hàng loạt tin nhắn với lời lẽ xúc phạm thậm tệ bản thân và gia đình", chị P. chia sẻ.

Đỉnh điểm của những hệ lụy từ khoản vay "tín dụng đen" xảy đến đối với chị P., đó là việc chị bị đăng tải thông tin, hình ảnh có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và ngoại tình. Không chịu nổi những chiêu trò "khủng bố" của chủ nợ, chị P. phải vay mượn bạn bè để thanh toán dứt điểm khoản vay.

"Mặc dù tôi đã trả tiền vay và tiền nộp phạt trả trước hạn nhưng các đối tượng vẫn không gỡ bỏ những thông tin thất thiệt đã đăng tải về tôi trước đó khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Đầu năm 2023, tôi đã phải nghỉ việc để chuyển sang một công ty mới", chị P. nhớ lại.

Không chỉ công nhân, người lao động bị các đối tượng đòi nợ thuê truy bức, mà cả lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cũng chung cảnh ngộ. Thảo luận tổ tại Đại hội Công đoàn lần thứ 13 vào ngày 1/12/2023, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin (tỉnh Đồng Nai), chia sẻ, mỗi ngày, ông đều bị người lạ gọi điện đòi món nợ mà công nhân "vay nóng" với lãi suất cao. 

Số điện thoại này được ông công khai tại các phân xưởng để tiếp nhận ý kiến phản ánh nhưng lại bị công nhân lấy để điền vào giấy tờ cam kết khi vay nóng "tín dụng đen" với lãi suất cao.

"Kéo" công nhân ra khỏi vòng vây của “tín dụng đen” dịp cuối năm- Ảnh 2.

Tờ rơi, quảng cáo vay nợ dán kín tường một ngõ nhỏ có đông nhà trọ công nhân ở Hà Nội

Theo ông Tú, Công ty TNHH Changshin Việt Nam có 800 cán bộ công đoàn cơ sở, 37.000 lao động đến từ nhiều tỉnh/thành. Công nhân đông, cũng có người sa vào nợ nần, cờ bạc. Cán bộ công đoàn bị hăm họa khi phát hiện nhóm cho vay nặng lãi lôi kéo công nhân chơi cờ bạc. Có những thời điểm, ông Tú cho biết đã phải làm văn bản gửi lên Công an tỉnh Đồng Nai nhờ can thiệp.

Để "tín dụng đen" không còn "đất" hoành hành

Thực tế, có rất nhiều công nhân, người lao động gặp hoàn cảnh éo le khi sa lưới "tín dụng đen" từ những nhu cầu tiêu dùng rất cơ bản. Theo dõi các vụ án có nguyên nhân từ vay lãi "tín dụng đen", Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), cho rằng, nguyên nhân "tín dụng đen" hoành hành xuất phát từ tực tế nhu cầu vay dân sự rất lớn.

"Nhiều công nhân, lao động trẻ chưa có tích lũy, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản thế chấp nên đã tìm đến các đối tượng "tín dụng đen" trên mạng xã hội và trong đời sống. Các đối tượng cho vay cắt lãi suất ngay từ đầu, trong giấy tờ thỏa thuận vay mượn không ghi lãi suất. Thậm chí người vay cũng không giữ giấy tờ gì… dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện, xử lý", ông Cường cho biết.

Theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đi kèm cho vay nặng lãi là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ...

Người đi vay thường bị đe dọa, sợ hãi không dám tố cáo. Chỉ có những vụ việc gây thương tích hoặc án mạng nghiêm trọng thì mới bị phanh phui. Vì thế, các hoạt động cho vay nặng lãi đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.

Do đó, luật sư Cường cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng để phát hiện, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, kể cả các đường dây cho vay nặng lãi trên không gian mạng để công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này đạt được hiệu quả như mong đợi. Đây cũng là một trong những biện pháp để ngăn chặn "tín dụng đen" bủa vây công nhân, người lao động.

Kết quả khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nạn "tín dụng đen" đã và đang hoành hành tại các khu công nghiệp khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang…

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng "tín dụng đen" diễn biến phức tạp, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của phần lớn công nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của người lao động còn hạn chế.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam


Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động; 

tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động.

Đồng thời, phổ biến rộng rãi về gói vay 20.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động, kết nối đầu mối cho vay. Ở những nơi có "tín dụng đen" hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm