pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho hơn 700 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh
Các chuyên gia đầu ngành thực hiện phẫu thuật cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh
Từ ngày 16 đến 22/5, Trung tâm II (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam), Tổ chức Helping Vietnam Children (HVNC) - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trực tiếp trẻ em Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh tổ chức chương trình "Khám và phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh".
Tham gia có 15 y, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện thuộc tuyến trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương.
Quy trình khám và phẫu thuật khép kín
Bà Hà Bích Hảo, Điều phối viên cho biết, sau hai năm chịu ảnh hưởng của địch Covid-19, Chương trình đã được tái khởi động tại Hà Tĩnh. Ngoài những danh mục không thuộc bảo hiểm y tế chi trả và cả những trường hợp không có bảo hiểm y tế, các trung tâm sẽ hỗ trợ toàn bộ viện phí. Đối với những trẻ khuyết tật đủ điều kiện phẫu thuật, chương trình sẽ hỗ trợ tiền ăn trị giá 300.000 đồng/trường hợp.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi phối với một bệnh tư nhân. Và đây cũng là lần đầu tiên quy trình khám và phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật nghèo được tổ chức khép kín, từ khâu khám sàng lọc cho tới khâu phẫu thuật diễn ra trong cùng một đợt", bà Hảo chia sẻ.
Trước đó, chương trình thường được tổ chức tại bệnh viện đa khoa của các tỉnh và được chia làm hai đợt. Đợt khám sàng lọc diễn ra trong một tuần, còn đợt phẫu thuật cách sau đó một tháng.
Điều này, vô hình trung gây khó khăn đối với các chuyên gia, y, bác sĩ, cũng như đối với trẻ khuyết tật và gia đình khi phải đi lại, di chuyển nhiều lần, lãng phí, tốt kém. Có nhiều trường hợp đợt đầu đã đủ điều kiện phẫu thuật nhưng sau một tháng do các vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý nên phải hủy bỏ.
Vì vậy khi quy trình được tổ chức khép kín, số lượng trẻ khuyết tật được khám sàng lọc, phẫu thuật cũng tăng lên.
ThS, bác sĩ Nguyễn Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh, cho biết, trong 111 trẻ được chỉ định mổ có 93 được phẫu thuật. Các dạng dị tật chủ yếu là hở hàm ếch, bàn chân bị khoèo, tùy từng ca phẫu thuật, mỗi ca trung bình được hỗ trợ từ 2 đến 10 triệu đồng.
Độ tuổi thực hiện phẫu thuật các dị tật khá muộn, thấp nhất là 4 tuổi, trung bình từ 6 đến 8 tuổi, có nhiều trường hợp trên 10 tuổi. Việc can thiệp muộn gây ra rất nhiều khó khăn, hiệu quả không bằng việc can thiệp sớm- thời điểm trẻ sơ sinh.
"Cụ thể về hở hàm ếch, nếu can thiệp muộn thì các cơ quan hô hấp, tiêu hóa của trẻ kém phát triển, không tốt cho các sinh hoạt về sau. Còn về vấn đề tâm lý, khi trẻ đến trường bị các bạn trêu chọc, điều này không tốt cho sức khỏe tinh thần của trẻ", bác sĩ Quang giải thích.
Trao cơ hội đổi đời cho trẻ khuyết tật nghèo
Nguyên nhân tình trạng phẫu thuật muộn chủ yếu là do trẻ em sinh ra ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở những vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy những chương trình như thế này cũng là cơ hội để trẻ khuyết tật được tiếp cận với những dịch vụ y tế, dịch vụ kỹ thuật cao.
Trong đợt khám chữa này, ngoài những trường hợp đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, còn có những cha mẹ đã vượt hàng trăm cây số từ Nghệ An, Quảng Bình đưa con đến khám sàng lọc, phẫu thuật.
Bé N.H.T (11 tuổi), bệnh nhân hở hàm ếch và hở khe vòm miệng, là một trong những trường hợp được phẫu thuật miễn phí tại chương trình. Trước đó, bé T đã trải qua phẫu thuật tim ở Thừa Thiên - Huế và phẫu thuật phổi ở Bệnh viện Nhi Trung ương. "Nếu không có chương trình này, không biết khi nào chúng tôi mới có thể đưa cháu đi phẫu thuật", anh Nguyễn Hữu Tuyển (50 tuổi, trú tại xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), cha bé T. chia sẻ.
Gia đình anh Tuyển nhiều năm là hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nghề đi biển và hơn 0,5 sào trồng lạc. Vào những tháng biển động, không thể ra khơi đánh bắt, kinh tế gia đình trở nên kiệt quệ, phải vay mượn thóc gạo của bà con để sống qua ngày.
Hiện tại phần môi của bé T. mới được "vá" ở phần ngoài, còn phần bên trong vẫn chưa được "vá". Theo bác sĩ Quang, chi phí phẫu thuật sinh môi hở hàm ếch đối với trường hợp không có bảo hiểm y tế như của bé T. là trên 10 triệu đồng. "Tôi không dám hỏi bác sĩ, cũng không biết hết bao nhiêu tiền, cũng không biết chữa bằng cách gì", anh Tuyển buồn rầu chia sẻ.
Đối với trường hợp này, theo người điều phối của chương trình, lần sau sẽ tiếp tục được hỗ trợ phẫu thuật hở khe vòm miệng.
Được biết, đây là lần đầu tiên bà Hà Bích Hảo, một nhân vật truyền cảm hứng của chương trình "Hôm nay ai đến" (VTV6), "Trạm yêu thương" (VTV1), "Cafe sáng" (VTV3)... tham gia với vai trò là điều phối viên.
Xuất phát từ bản thân cũng là một người mang dị tật – gương mặt hỏng một bên, bị méo mó, mất một bên tai, gần như hỏng hẳn một bên mắt và gần đây bà Hảo đã được các chuyên gia, nhà hảo tâm hỗ trợ phẫu thuật để tìm lại gương mặt.
Vì lý do đó, hơn ai hết, bà Hảo hiểu được những khó khăn của người mang dị tật trong hành trình hòa nhập, và ý nghĩa vô cùng sâu sắc khi được phẫu thuật kịp thời "sửa chữa" những dị tật đó.
"Qua chương trình, tôi muốn mang cơ hội mà bản thân đã được trao đến với những em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đây là cơ hội để các em thay đổi, sống một cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn", bà Hảo xúc động nói.
Dự kiến vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 tới đây, chương trình sẽ được tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Chương trình "Khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn" được khởi xướng bởi Trung tâm II, có sự đồng hành của tổ chức HVNC. Trong 20 năm qua đã khám sàng lọc cho hơn 50.000 trẻ, phẫu thuật cho hơn 15.000 trẻ tại các tỉnh thành miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang) và khu vực miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh).