pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khánh Hòa: Phụ nữ dân tộc thiểu số đã có tiếng nói trong cộng đồng

Nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong tháng tháng hành động vì bình đẳng giới
Dưới sự triển khai đồng bộ, sáng tạo và nhiều tâm huyết của các cấp Hội tỉnh Khánh Hòa, dự án 8 không chỉ đơn thuần là một chương trình mục tiêu quốc gia, mà đã mở ra cơ hội học tập và phát triển cho hàng ngàn phụ nữ, trẻ em gái đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Từ năm 2021 đến nay, Dự án 8 được triển khai tại 66 thôn thuộc 27 xã của 5 huyện miền núi: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa. Với sự đồng hành của hơn 260.000 hội viên, trong đó có 12.099 hội viên là người dân tộc thiểu số, các cấp Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa đã dồn tâm huyết để cụ thể hóa từng nội dung của Dự án bằng các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện, tập quán từng địa phương.

Hội LHPN huyện Khánh Sơn tổ chức Hội thi Sáng kiến truyền thông giữa các mô hình
Một trong những tác động nổi bật nhất mà Dự án 8 được các cấp Hội tỉnh Khánh Hòa triển khai mang lại chính là sự thay đổi mạnh mẽ "nếp nghĩ, cách làm" của phụ nữ DTTS trong sản xuất, sinh hoạt và ứng xử xã hội.
Thông qua 67 tổ truyền thông cộng đồng - vượt 111% so với chỉ tiêu đề ra - hàng trăm buổi truyền thông, tọa đàm, sân khấu hóa đã được tổ chức, thu hút hơn 10.000 lượt người tham gia. Các chủ đề như xóa bỏ định kiến giới, phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục… vốn còn xa lạ và nhạy cảm với đồng bào vùng cao, nay đã được nói lên, chia sẻ công khai, thấu cảm, mang lại sự chuyển biến từ trong suy nghĩ. Không còn là những bà mẹ cam chịu, những người vợ lặng im, phụ nữ DTTS ở Khánh Hòa nay đã biết bảo vệ bản thân, dám lên tiếng, dám ước mơ và thực hiện ước mơ bằng chính bàn tay của mình.
Bên cạnh đó, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS đã ghi nhận nhiều kết quả thực chất. 54 hội nghị tập huấn xây dựng mô hình kinh tế được tổ chức, với sự tham gia của 3.489 lượt phụ nữ nghèo, phụ nữ DTTS ở các thôn, tổ đặc biệt khó khăn. Từ những buổi tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, đến hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu… đã dần giúp các phụ nữ DTTS tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Một người phụ nữ dân tộc Raglai ở Khánh Sơn từng xúc động chia sẻ sau buổi tập huấn: "Trước đây tôi chỉ biết trồng chuối, bắp theo thói quen, nay tôi hiểu về giống, kỹ thuật, biết tính toán lời lãi, thấy mình làm chủ rồi, không chỉ phụ thuộc vào chồng như trước nữa."
Không dừng lại ở tuyên truyền hay đào tạo, Dự án 8 còn tạo lập mạng lưới hỗ trợ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các nạn nhân của bạo lực gia đình. Đã có 24 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" được thành lập ở các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa - gấp đôi so với chỉ tiêu -giúp phụ nữ có nơi để nương tựa, được bảo vệ và tư vấn khi cần. Cùng với đó, các Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" được thành lập tại 3 huyện và 58 trường học, tạo diễn đàn cho phụ nữ và học sinh cùng lên tiếng về bình đẳng giới, nói không với định kiến và bạo lực. Tại đây, các em gái dân tộc thiểu số - vốn ít được lắng nghe - đã có cơ hội chia sẻ tâm tư, học kỹ năng tự bảo vệ, nuôi dưỡng ước mơ và ý chí vươn lên.
Trong nỗ lực lồng ghép giới vào hệ thống chính trị cơ sở, các cấp Hội đã tổ chức 70 lớp tập huấn về bình đẳng giới, kỹ năng lãnh đạo, đối thoại chính sách cho hơn 4.500 cán bộ, hội viên nòng cốt. Đáng chú ý, có 69 cuộc đối thoại giữa phụ nữ với chính quyền đã được tổ chức, với gần 5.000 người tham dự, ghi nhận 435 ý kiến phản ánh và được các cấp chính quyền giải đáp, cam kết thực hiện. Những con số ấy cho thấy tiếng nói của phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ DTTS - đã dần có vị thế trong đời sống chính trị - xã hội tại cộng đồng.
Những người phụ nữ Raglai ở Khánh Sơn, những thiếu nữ Ê Đê ở Khánh Vĩnh, những em bé Chăm ở Cam Lâm… đã và đang được sống trong môi trường nhân văn, tiến bộ hơn. Đó không chỉ là thành quả của một dự án, mà là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của các cấp Hội tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua.