Khẩu trang nào ngăn được hơi thủy ngân?

09/09/2019 - 15:09
Khẩu trang y tế hoặc khẩu trang thông thường hiện không có tác dụng với thủy ngân. Giải pháp duy nhất là người dân vùng nhiễm thủy ngân phải mang khẩu trang hoạt tính.

Vụ cháy tại kho hàng Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ước tính có từ 15kg đến 27kg thủy ngân bay vào không khí. Thông tin này khiến người dân lo lắng, nhất là với những gia đình ở gần khu vực cháy, bởi thủy ngân rất độc. Vậy, với lượng thủy ngân bay trong không khí, có cách nào để tránh hít phải hay không ?

TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, Mỹ) cho biết, dựa trên tính chất hóa học của thủy ngân, người ta thường chia ra làm 3 loại:

Loại 1: Thủy ngân dạng kim loại, chủ yếu là hơi thủy ngân (Elemental Mercury Vapor). Loại này hấp thu rất nhanh ở phổi và cơ quan ảnh hưởng nhiều nhất là não.

Loại 2: Thủy ngân ở dạng muối hữu cơ (chủ yếu là dạng methyl). Loại này hấp thu nhanh ở ruột và đi khắp cơ thể nhưng không tích tụ trong não hiệu quả như loại 1. Tuy nhiên,khi trong cơ thể chúng cũng có thể từ từ biến đổi về dạng kim loại và vượt hàng rào máu não để tích tụ dần dần ở não.

Loại 3: Thủy ngân dạng muối vô cơ. Loại này thường không tan, khá bền và hấp thu kém. Loại này yếu hơn hai loại trên và chủ yếu tác hại đến thành ruột và thận.

_mg_0873.JPG
Người dân khu vực bị cháy sử dụng khẩu trang y tế để tự bảo vệ

 TS. Vũ cho biết, mối lo ngại lúc nhà máy Rạng Đông bị cháy là nhiễm độc thủy ngân loại 1 (kim loại bay hơi). Vì vậy, để tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí thì người dân trong vùng nhiễm, khi ra đường tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính. Bởi khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi. Chỉ khi có trang bị bộ lọc chứa than hoạt tính thì hơi thủy ngân kim loại mới bị oxi hóa và hấp thụ bởi than này trước khi không khí đi vào mũi. Tuy nhiên, màng lọc than hoạt tính không thể tái sử dụng vì sau khi than hoạt tính phản ứng và hấp thụ chất độc thì sẽ hết tác dụng, cần phải thay màng lọc mới hoặc khẩu trang mới. 

Cũng theo TS. Vũ, các cơn mưa sau vụ cháy có khả năng làm lượng thủy ngân trong không khi giảm đáng kể khi chúng bị ngưng tụ và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nếu lượng thủy ngân này còn nằm ở trên mặt đất, bề mặt đường xi măng, ban công,… thì chúng có thể bốc hơi lại trong không khí sau cơn mưa nhất là khi nhiệt độ cao lúc trời nóng. Do vậy, TS. cảnh báo mọi người trong vùng nhiễm nên tiếp tục sử dụng khẩu trang có than hoạt tính cho đến khi vùng nhiễm được công bố hoàn toàn sạch.

Tuy nhiên, TS. Vũ cũng cho rằng tuy nước mưa có thể giúp giảm ô nhiễm thủy ngân trong không khí nhưng nó không giúp làm giảm ô nhiễm thủy ngân nếu không có những biện pháp làm sạch triệt để, loại trừ thủy ngân ra khỏi môi trường. Hiện nay, mối lo nhiễm độc thủy ngân kim loại dạng hơi nay đang được chuyển thành mối lo ngại nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ. Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm mà điển hình nhất là sự kiện ở Minamata, Nhật Bản trong hơn nữa thế kỷ với hàng ngàn người chết, chục ngàn người bị ảnh hưởng.

Theo đó, khi một lượng thủy ngân được kéo xuống bởi nước mưa có thể thấm vào đất, chuyển hóa thành dạng hữu cơ gây ô nhiễm đất, cây hoa màu trồng trên đất này lại hấp thu thủy ngân. Nếu để lâu, thủy ngân có thể thấm sâu hơn và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Mặc khác, khi nước mang thủy ngân ra sông suối chúng bị chuyển hóa thành dạng hữu cơ lơ lửng trong nước, tích tụ ở bùn, trầm tích. Các vi sinh vật và quần thể tôm cá trong vùng sẽ bị nhiễm độc thủy ngân là chắc chắn. Sau đó, con người lại ăn các thực phẩm, sinh vật bị nhiễm thủy ngân… vì vậy, nguy cơ nhiễm thủy ngân là khó tránh khỏi, TS. Vũ nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm