Khi có nhiều phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, quyết định sẽ toàn diện hơn

Nhu Thụy
08/03/2021 - 11:50
Khi có nhiều phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, quyết định sẽ toàn diện hơn

Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam

Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay do Liên hợp quốc công bố là "Phụ nữ lãnh đạo: Hướng tới tương lai bình đẳng trong bối cảnh Cocid-19". Chủ đề này tiếp tục đề cập tới vai trò của phụ nữ ở vị trí lãnh đạo trong bối cảnh thế giới đối mặt với khó khăn của đại dịch.
Phụ nữ trên tuyến đầu

Theo bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, hàng năm, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là thời điểm cả thế giới cùng nhìn lại những thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây còn là dịp để chúng ta suy ngẫm về những khoảng trống hiện có và những lĩnh vực cần cải thiện để đẩy nhanh tiến độ. Ngày quốc tế phụ nữ năm nay diễn ra khi toàn thế giới vẫn tiếp tục chống chọi với đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng nặng nề đối với phụ nữ: Từ việc họ bị đẩy vào tình trạng nghèo đói, tới mất việc làm do nền kinh tế phi chính thức suy thoái và tình trạng gia tăng đáng báo động của bạo lực gia đình và gánh nặng công việc chăm sóc không được trả lương.

Trên khắp thế giới, phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trên nhiều bình diện. Họ dẫn dắt các tiến trình hòa bình, điều hành doanh nghiệp, thành lập bệnh viện và trường học. Họ nắm giữ cương vị lãnh đạo quốc gia và là chủ tịch của các hội đồng quản trị doanh nghiệp. Họ đứng đầu các tổ chức quốc gia và quốc tế, câu lạc bộ thể thao, phong trào lao động và môi trường, trong khi vẫn thường xuyên chăm sóc gia đình và cộng đồng. Chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới hoàn toàn về các vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, cùng nhau, phụ nữ sẽ xây dựng làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nơi nào có bình đẳng giới, xã hội nơi đó trở nên thịnh vượng hơn. Nền hòa bình lâu bền hơn. Và tất cả người dân đều được hưởng lợi.

Khi có nhiều phụ nữ hơn ở các vị trí lãnh đạo, các quyết định sẽ mang tính toàn diện hơn, nhiều tiếng nói khác nhau được lắng nghe và sẽ có nhiều hơn các giải pháp. Phụ nữ làm việc ở lĩnh vực công - ở mọi cấp độ ra quyết định - gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng: "Vị trí" của phụ nữ là ở khắp mọi nơi! Trong suốt cuộc khủng khoảng COVID-19, phụ nữ đã và đang giữ cho toàn xã hội tiếp tục hoạt động, duy trì các hệ thống y tế trong vai trò là những nhân viên tuyến đầu. Họ dũng cảm thực hiện thêm các trách nhiệm tại gia đình trong việc chăm sóc người bệnh cũng như trẻ em trong thời gian không được đến trường. Họ đã giúp đảm bảo những cơ sở tạm lánh mở cửa cho nạn nhân bị bạo lực và tăng cường tiếp cận các biện pháp tránh thai tại các khu vực miền núi.

Chính phụ nữ đã đưa ra những minh chứng sống động và đáng nhớ về giá trị của họ trong vai trò lãnh đạo. Những điều này cần được tôn vinh và nhân rộng để hướng tới một thế giới mà mọi phụ nữ đều có quyền tự chủ về thân thể và cuộc sống của bản thân, được thực hiện vai trò lãnh đạo một cách bình đẳng và cũng là được thực hiện quyền của chính họ.

Khoảng cách giới trong vị trí nguyên thủ hiện tới 130 năm

Theo báo cáo gần đây của Tổng thư ký Liên hợp quốc, phụ nữ là người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ ở 22 quốc gia và chỉ 24,9% đại biểu quốc hội quốc gia là phụ nữ. Chỉ có 4 quốc gia có từ 50% phụ nữ trở lên trong quốc hội: Rwanda với 61%, Cuba với 53%, Bolivia với 53% và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với 50%. 19 quốc gia khác đã đạt hoặc vượt qua 40%, bao gồm 9 quốc gia ở châu Âu, 5 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 4 quốc gia ở châu Phi và 1 quốc gia ở Thái Bình Dương. Với tốc độ tiến bộ hiện nay, bình đẳng giới giữa những người đứng đầu chính phủ sẽ mất 130 năm nữa mới sang bằng được khoảng cách. Đó là lý do Ngày Quốc tế Phụ nữ hướng đến việc cân bằng giới trên quy mô toàn cầu. Các nhà lãnh đạo công nghiệp, khởi nghiệp, các nhà hoạt động bình đẳng giới cần tìm ra cách thức đổi mới để xóa bỏ rào cản và đẩy nhanh tiến độ cho bình đẳng giới.

Khi có nhiều phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, quyết định sẽ toàn diện hơn - Ảnh 2.

Nữ y tá, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch

Trong tuyên bố nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Giám đốc Điều hành UN Women toàn cầu Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết: "Chúng tôi cần sự đại diện của phụ nữ, phản ánh tất cả khả năng và sự đa dạng phụ nữ và trẻ em gái ở mọi lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế... Đây là cách duy nhất để chúng ta có được sự thay đổi xã hội thực sự nhằm kết hợp phụ nữ vào việc ra quyết định vì bình đẳng và mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta".

UN Women đã khởi động chiến dịch HeForShe trên toàn cầu vào năm 2014 và tại Việt Nam vào năm 2015 để kêu gọi đặc biệt sự tham gia của nam giới và trẻ em trai. Kể từ đó, UN Women đã huy động hàng triệu nam giới tham gia để vận động cho chiến dịch. UN Women còn kêu gọi mọi người lên tiếng khi chứng kiến bất kỳ hành vi phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ hoặc trẻ em. Ngoài ra, nam giới cần đi đầu bằng các tấm gương thể hiện sự tôn trọng đối với phụ nữ và trẻ em gái; chia sẻ công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình; tham gia phong trào bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. "Trong phạm vi gia đình, tôi khuyến khích nam giới không chỉ tặng hoa cho phụ nữ trong ngày 8/3 mà hãy luôn tôn trọng và chia sẻ các trách nhiệm gia đình với phụ nữ hàng ngày!", bà Elisa nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm