Khi lương không đủ sống, giáo viên sẽ xoay xở đủ kiểu

08/11/2018 - 17:57
Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần đưa vấn đề lương giáo viên vào Luật chứ không giao Chính phủ cân đối vì khi lương không đủ sống, giáo viên sẽ xoay xở đủ kiểu. Đây là nguồn cơn của lạm thu trong trường học.

Bàn về các nội dung dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cho rằng, quan điểm của ông về chính sách lương của giáo viên là phải được sắp xếp ở mức thỏa đáng nhất để thầy cô yên tâm với sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên, nếu ghi như dự thảo quy định “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”, theo đại biểu Chương là chưa  ổn.

“Như vậy quá phụ thuộc Chính phủ, khi có tiền thì Chính phủ xếp cao, không có tiền xếp thấp. Luật cần nêu cụ thể,  không chung chung như vậy” - đại biểu Nguyễn Văn Chương đề nghị.

1_224051.jpg
Ảnh minh họa 

Cũng tại thảo luận tổ đoàn TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chính sách tiền lương đặc biệt quan trọng với giáo viên ở bậc tiểu học. Theo ông, đây là bậc học gắn với vấn đề đạo đức.

“Tiên học lễ, hậu học văn”. Người thầy giảng dạy, định hướng các em về lòng yêu thương gia đình, bạn bè, yêu quê hương đất nước. Tôi nhớ mãi những bài học đầu tiên mà thầy cô dạy mình như vậy. Chính vì thế, cần có sự cải thiện về lương để các thầy cô ở cấp này nói riêng và thầy cô giáo nói chung, để các thầy cô không bị ảnh hưởng bởi phong bì hay việc dạy thêm” – đại biểu Ngân thẳng thắn.

Gay gắt hơn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề thu nhập của nhà giáo cần nói dứt khoát hơn. Theo bà, khi giáo viên không có đủ sống, họ sẽ tìm mọi cách để xoay xở.

Chính vì vậy theo bà, vấn đề lương giáo viên trong dự thảo Luật cần quy định rõ ra là lương nhà giáo được xếp mức nào, cao gấp mấy lần mức lương tối thiểu?  Không nên quy định chung chung như trong luật, sẽ không khả thi.

“Cần có đề xuất rõ ràng, cụ thể, vì lương giáo viên hiện nay nuôi bản thân chưa đủ chứ đừng nói đến nuôi gia đình. Khi lương không đủ sống thì giáo viên, cơ sở giáo dục sẽ tự xoay xở đủ kiểu để đủ sống, lúc đó ranh giới giữa tiêu cực và không là rất mỏng manh. Do đó, giáo viên, cơ sở giáo dục phải được có cơ chế để bảo đảm thu nhập một cách đàng hoàng, không phải xoay xở từ các khoản thu từ cái máy lạnh, cái máy chiếu… mà dư luận vẫn gọi là lạm thu” – bà Phong Lan nói. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm