pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi nào hàng trăm công dân Thủ đô hết cảnh "vô thừa nhận"?
Phần đường thuộc huyện Ba Vì được sửa sang, trải nhựa sạch đẹp. Trong khi đó, phần đường thuộc về thị xã Sơn Tây từ nhiều năm nay vẫn ở trong cảnh lồi lõm
Tréo ngoe cảnh "vô thừa nhận"
Cụm từ "vô thừa nhận" được ông Nguyễn Thành Chiến (56 tuổi, người dân xóm 4, thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) nhấn mạnh kèm theo những tiếng thở dài. Nguyên do là bởi 118 hộ với 375 nhân khẩu đang sinh sống tại xóm 4 đều có giấy tờ xác nhận thường trú tại xã Vân Hòa (Ba Vì). Nhưng thực tế, họ lại đang sinh sống trên phần đất thuộc địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây.
Theo ông Chiến, xóm 4 thôn Xuân Hòa trước đây là đất thuộc Nông trường quốc doanh Ba Vì, sau đó thuộc Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Những năm sau đó xóm tiếp tục được chuyển về xã Tản Lĩnh, rồi lại sang xã Vân Hòa (cùng của huyện Ba Vì). Năm 2015, xã Vân Hòa tiếp nhận quản lý số nhân khẩu từ Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Cũng trong năm này, thôn Xuân Hòa gồm 252 hộ dân được chính quyền thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập. Tuy nhiên, đến năm 2017, chính quyền thực hiện chia lại địa giới hành chính. Theo đó, một phần của thôn Xuân Hòa gồm 118 hộ dân (xóm 4 hiện nay) được cắt về hai xã Kim Sơn và Xuân Sơn (thuộc thị xã Sơn Tây). "Tuy nhiên, thị xã Sơn Tây không tiếp nhận con người, địa bàn hay đầu tư cơ sở hạ tầng cho nơi này nên từ đó đến nay, chúng tôi bỗng dưng trở thành những người không được thừa nhận", ông Chiến cho biết.
Việc "không được thừa nhận" khiến cuộc sống của người dân xóm 4 gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc tất cả hộ dân ở xóm 4 không hộ nào được hưởng các chính sách như xây dựng nông thôn mới, cấp quyền sử dụng đất, nước sạch... dù tiền thuế đất vẫn đóng đều hàng năm. Một minh chứng được ông Chiến chỉ ra, đó là việc tuyến đường dẫn vào xóm. Mặc dù cùng một trục đường nhưng chỉ phần diện tích đất thuộc huyện Ba Vì mới được sửa sang, trải nhựa, kẻ vạch phân làn, làm cống thoát nước. Trong khi đó, phần đường thuộc về thị xã Sơn Tây từ nhiều năm nay vẫn trong cảnh lồi lõm, chi chít ổ gà, ổ voi. "Đèn không có, đường lại xấu nên rất nguy hiểm cho các cháu học sinh lúc đi học về. Vì thế, chúng tôi phải hô hào nhau góp tiền mua vật liệu về để tự sang sửa, vá lại nhưng chỗ lồi chỗ lõm", ông Chiến thông tin thêm.
Bản thân là công an viên của thôn Xuân Hòa nên trong khi làm nhiệm vụ, ông Chiến đã gặp phải những trường hợp trớ trêu khi người dân bắt được đối tượng trộm cắp tài sản trong xóm nhưng khi liên hệ để giải quyết, bàn giao đối tượng thì cả bên huyện Ba Vì cũng như thị xã Sơn Tây đều từ chối với lý do nằm ngoài địa giới hành chính của họ.
Theo ông Nguyễn Phú Cừ (người dân xóm 4), từ khi địa giới hành chính được phân chia lại, người dân xóm 4 gặp khó khăn trong việc xin xác nhận tạm trú, tạm vắng. "Chúng tôi trên giấy tờ đều ghi thường trú tại xã Vân Hòa nhưng khi lên xin xác nhận tạm trú, tạm vắng, công an đều từ chối với lý do họ không đủ thẩm quyền để làm vì nơi chúng tôi sinh sống nằm ngoài địa giới hành chính của huyện Ba Vì. Trong khi đó, sang xã Kim Sơn hoặc Xuân Sơn của thị xã Sơn Tây làm giấy tờ thì họ bảo không biết mình là ai, nơi thường trú cũng không phải xã họ nên họ cũng từ chối", ông Cừ chia sẻ.
Trong cuộc họp dân cư mới đây, nguyện vọng của tất cả người dân là muốn được quay trở lại phần địa giới hành chính xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) vì tất cả giấy tờ thời điểm hiện tại đều ghi người dân thường trú tại xã này. Trong trường hợp ngược lại, nếu được điều chỉnh về thị xã Sơn Tây, người dân mong có thể quy về một mối, thay vì bị chia làm 2 xã như hiện tại. "Nếu được chuyển về xã Vân Hòa thì tiện cả đôi đường cho người dân cũng như chính quyền. Ví dụ, chúng tôi khi có ốm đau, bệnh tật di chuyển ra trạm y tế xã chỉ khoảng 2km. Trong khi đó, nếu về thị xã Sơn Tây, chúng tôi phải di chuyển quãng đường hơn 10km. Với người già, trẻ nhỏ như chúng tôi điều đó là rất vất vả", bà Phan Thị Thu Nga (66 tuổi, một người dân xóm 4) chia sẻ.
Tìm phương án tháo gỡ vướng mắc
Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, vướng mắc về địa giới hành chính tại cụm dân cư xóm 4 khiến quá trình quản lý 118 hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, những chương trình đầu tư về cơ sở hạ tầng gần như không tới được cụm dân cư này. Người dân phải tự quản là chính, chứ chưa có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước ở địa phương.
Lý giải cho những tồn tại này, ông Long cho biết, khi bàn giao Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì về huyện Ba Vì quản lý đã xảy ra trường hợp không ghi nhận một phần đất thuộc địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây mà nghĩ là diện tích này ở trên địa bàn của huyện Ba Vì nên giao về cho huyện Ba Vì quản lý, từ đó dẫn tới bất cập.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc tích cực, xử lý dứt điểm vấn đề này để các hộ dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất. Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây cùng Sở Nội vụ Hà Nội đã có cuộc làm việc để tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây đã lắng nghe ý kiến của người dân và đề xuất các phương án có thể thực hiện. Theo đó, có 2 trường hợp. Trong trường hợp điều chỉnh địa giới hành chính xóm 4 về huyện Ba Vì thì sẽ cần phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này được đánh giá là sẽ mất nhiều thời gian. Trường hợp còn lại, nếu chuyển người dân trở thành công dân của thị xã Sơn Tây thì chỉ cần thay đổi về giấy tờ hành chính và có thể thực hiện ngay.
Hiện, 2 địa phương đã báo cáo xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội để đưa ra phương án giải quyết. Trước mắt, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông qua xóm 4 sẽ được chính quyền thị xã Sơn Tây thực hiện ngay để đảm bảo việc đi lại cho người dân.