Dù sớm hay muộn, người cao tuổi hiện cũng đang phải quen dần với chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng… Công nghệ như một tất yếu của cuộc sống. Không chỉ là để liên lạc với con cái, người thân mà những thiết bị công nghệ đó còn trở thành công cụ hỗ trợ người cao tuổi. Nhưng trong hành trình biến công nghệ thành bạn đồng hành của người già cũng nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Dù tuổi cao nhưng hằng ngày, bà Đoàn Lê Phong, cán bộ hưu trí ngụ tại TPHCM, vẫn lên mạng cập nhật thông tin để ứng dụng vào công việc của mình.
Với bà Nguyễn Thị Ngọc An (ngụ Q.10, TPHCM), chiếc điện thoại thông minh là phương tiện để bà kết nối, trò chuyện với bạn bè, tận hưởng cuộc sống về hưu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà cũng nhận được những tin nhắn có tính chất lừa đảo như nhờ chuyển số tiền lớn, “nhận hàng từ nước ngoài”… Dù đã cảnh giác nhưng có lần, bà An suýt mất tiền vì bị dụ dỗ mua “thuốc online”.
Ông Phạm Đức Cường thường online để cập nhật nội dung cho kênh Youtute mà ông lập ra nhằm kết nối tìm hài cốt đồng đội. Nhờ có internet mà công việc của ông hiệu quả hơn, thỏa được tấm lòng của người cựu chiến binh dành cho đồng đội đã nằm xuống.
Thỉnh thoảng, ông Lê Văn Quan, 84 tuổi, vẫn dùng điện thoại thông minh mở tin tức để vợ nghe cho khuây khỏa. Ông Quan và vợ sống tại Quận 6, TPHCM. Nhiều năm nay, kể từ khi bà bị bệnh nặng, phải nằm một chỗ, một mình ông chăm sóc, cơm nước, vệ sinh cá nhân cho vợ. Những tiện ích từ chiếc điện thoại thông minh giúp không khí trong ngôi nhà của đôi vợ chồng già bớt cô quạnh hơn.
“Quả là đôi lúc tôi bị cuốn vào các nội dung online mà thời gian trôi qua lúc nào không biết”, bà Trần Thị Kim Vân, ở TP.Thủ Đức (TPHCM), thừa nhận. Từ khi được con gái mua cho chiếc smartphone và hướng dẫn cách sử dụng, bà Vân mê mẩn với mạng xã hội lúc nào không hay. Ngoài lướt Facebook xem thông tin của bạn bè, bà còn “ghiền” xem livestream bán hàng, điện thoại ra rả suốt ngày các trang rao bán hàng. Bận nấu ăn hay làm việc gì, bà cũng mở livestream để nghe, như các cụ nghe đài ngày trước.