pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi vợ chồng mất kết nối, như hai người trọ cùng phòng
Ảnh minh họa
Cô kết hôn khi tuổi đời còn trẻ, lúc đó vẫn đang là sinh viên. Cô luôn nghĩ, tình yêu nồng nhiệt của cô và anh chắc chắn sẽ làm nên cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng lấy chồng khi chưa ra trường, có con khi chưa có việc làm, cô bị chồng và gia đình nhà chồng coi là ăn bám. Dù số tiền chồng đưa mỗi tháng không nhiều nhưng anh vẫn lên mặt với vợ. Anh cho mình quyền "gác chân lên bàn chờ cơm vợ nấu". Anh không chia sẻ với vợ việc nhà, từ chăm sóc con đến dọn dẹp nhà cửa. "Việc" của anh ở nhà là… chơi game.
Cô quần quật làm mọi việc một mình mà không có ai hỗ trợ. Thời gian sau sinh, cô bị stress vì phải làm quá nhiều thứ. Cô không thể quên những đêm chờ chồng đi nhậu mà nước mắt tuôn rơi. Anh bỏ mặc cô, không quan tâm đến cảm xúc của cô. Trong cô là ăm ắp sự mệt mỏi, chán nản. Cô đi làm, có thu nhập, kinh tế không còn phụ thuộc vào chồng nữa. Thế nhưng, không vì thế mà cô được chồng tôn trọng. Chồng cô vẫn coi mình như người đàn ông độc thân- anh đi chơi bất cứ giờ nào, không chăm sóc con, không làm việc nhà. Thậm chí, khi con ốm, con nằm viện, anh cũng mặc kệ vợ tự xoay sở. Có nhiều lúc, sự mệt mỏi của cô lên đến đỉnh điểm. Thế nhưng, cô luôn dặn mình phải cố gắng, dặn mình phải vượt qua gian đoạn khó khăn này. Cô vẫn hy vọng, một ngày nào đó anh sẽ thay đổi.
Sự thiếu kết nối trong gia đình của anh, sự vô tâm với con cái của anh khiến cuộc sống vợ chồng cô mỗi ngày thêm nặng nề. Có lần, cô góp ý với anh về việc cần quan tâm đến gia đình hơn nữa, chia sẻ với cô công việc nhà thì anh gắt gỏng và đòi ly hôn. Từ khoảnh khắc đó, cô nhận ra, bản thân nên tìm cách để tự giúp mình và đừng mong chờ gì thêm ở người khác.
Suốt gần chục năm hôn nhân, cô luôn phải cố gắng vỗ về bản thân để vui vẻ chăm con, để đi làm, để chăm gia đình. Tiền cô tự lo, tinh thần cô tự vực dậy, con cái cô tự chăm sóc, nuôi dạy. Cô đang tự hỏi, không biết cô cần chồng làm gì, khi đó là người lúc nào cũng khiến cô phải suy nghĩ và mệt mỏi.