“Khoác áo mới” cho những chiếc bánh tẻ truyền thống

Phương Mai
05/11/2021 - 10:30
“Khoác áo mới” cho những chiếc bánh tẻ truyền thống

Bà Phạm Thị Bình mong muốn nghề làm bánh tẻ phát triển, giúp bà con địa phương cải thiện cuộc sống

Không chỉ chú trọng chất lượng mà còn thực hiện theo những tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu khắt khe với hệ thống truy xuất nguồn gốc

QR code minh bạch thông tin - Đây là cách bà Phạm Thị Bình và nhiều hộ tại phường Phú Thịnh đang thực hiện để gìn giữ nghề làm bánh tẻ truyền thống - niềm tự hào của thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Bà Phạm Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ tại tổ dân phố Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh, cho biết, việc đưa thương hiệu bánh tẻ Sơn Tây nổi tiếng trong vùng và tại nhiều địa phương lân cận là cả một hành trình gìn giữ, kế thừa và phát triển nghề truyền thống của bà và các hộ gia đình tại địa phương.

“Khoác áo mới” cho những chiếc bánh tẻ truyền thống - Ảnh 1.

Người Phú Nhi luôn cẩn thận trong lựa chọn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của bánh.

Bà Bình giới thiệu: "Nguyên liệu chính để sản xuất bánh tẻ gồm gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, lá dong, lá chuối. Người Phú Nhi luôn cẩn thận trong lựa chọn nguyên liệu để đảm bảo chất lượng của bánh. Từng thành phần đều được chọn kỹ. Gạo để làm bánh phải là loại gạo tẻ ngon được lựa chọn để từ vụ trước. Sau khi ngâm và thay nước trong 3-4 ngày, gạo sẽ được mang ra xay. "Xay gạo cần phải rất kỳ công. Sau khi xay gạo thành bột, phải ngâm bột trong 3 ngày (vào mùa hè) và 5 ngày (vào mùa đông) cho bột thật mềm, dẻo. Chúng tôi phải thay nước mỗi ngày 1 lần vào mùa đông, 2 lần mỗi ngày vào mùa hè. Có một điểm đặc biệt mà chúng tôi luôn tuân thủ, đó là phải dùng nước giếng khơi đã qua bể lọc hoặc nước máy đã được chứa trong bể mà không dùng nước máy trực tiếp để đảm bảo việc khử trùng".

Công đoạn chuẩn bị nhân bánh cũng tốn nhiều thời gian. Theo bà Bình, để làm nhân bánh, cần chọn loại thịt ngon, đảm bảo độ dính, luộc bỏ nước để ráo, thái con chì. "Chúng tôi thường chọn thịt ba chỉ, thịt sấn vai, thịt sấn mông. Mộc nhĩ ngâm nở đều, cắt hết chân, rửa sạch và thái chỉ, sau đó mang rửa lại để ráo nước. Để nhân ngon còn phải có hành mà phải chọn loại hành củ ta, bóc vỏ, thái nhỏ, phi thơm. Sau đó, phải thật tỉ mẩn để rang thịt đã thái chỉ cùng với hành khô cho đến khi cháy cạnh thì mới nêm mắm, bột canh, mì chính, hạt tiêu. Đây là một trong những bí quyết để bánh tẻ Phú Nhi ghi điểm trong lòng những người yêu ẩm thực Sơn Tây. Bánh được luộc và ăn trong ngày là ngon nhất", bà Bình chia sẻ bí quyết.

“Khoác áo mới” cho những chiếc bánh tẻ truyền thống - Ảnh 2.

Việc đưa thương hiệu bánh tẻ Sơn Tây nổi tiếng trong vùng và tại nhiều địa phương lân cận là cả một hành trình gìn giữ, kế thừa và phát triển nghề truyền thống của bà và các hộ gia đình tại địa phương.

Năm 2020, bà Phạm Thị Bình là một trong những cơ sở của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thị xã Sơn Tây.

Bảo hộ nhãn hiệu, giữ nghề truyền thống 

Hiện tại, ở Phú Thịnh có khoảng 30 hộ gia đình đang làm bánh. Trên thực tế người làm nghề vẫn gặp rất nhiều khó khăn như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận hoặc phụ thuộc thương lái, giá cả không ổn định, chất lượng bánh khó cạnh tranh trên thị trường...

Năm 2007, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi được công nhận là Làng nghề truyền thống của thị xã Sơn Tây. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Bánh tẻ Phú Nhi". Để gìn giữ nghề truyền thống, các hộ sản xuất được tham gia dự án tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu nhãn hiệu, tìm hiểu về sử dụng nhãn hiệu sản phẩm và cách vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể "Bánh tẻ Phú Nhi". Đồng thời, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, dự án còn hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm, hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code, in ấn thử nghiệm túi đóng gói sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu...

“Khoác áo mới” cho những chiếc bánh tẻ truyền thống - Ảnh 3.

Cơ sở sán xuất của bà Phạm Thị Bình là một trong những cơ sở của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Nhờ vậy, sản phẩm làm ra có bao bì, tem, nhãn mác đẹp, thông tin rõ ràng, góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất từng bước mở rộng thị trường, người dân địa phương cũng bắt đầu thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hướng sản xuất hàng hóa, có sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn làng nghề truyền thống. Bà Bình bày tỏ: "Chúng tôi luôn mong muốn sản phẩm của mình được mọi người biết đến nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nếu nghề làm bánh tẻ phát triển hơn thì sẽ giúp bà con địa phương cải thiện cuộc sống".

Giá bánh tẻ từ 8.000 đến 10.000 đồng/chiếc.

Liên hệ: Cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình, Tổ dân phố Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Điện thoại: 0917.376830.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm