pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khoảng 50% phụ nữ ở 57 quốc gia không có quyền tự chủ với cơ thể mình
Ảnh minh họa
Theo một báo cáo do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố vào ngày 14/4/2021, gần một nửa phụ nữ ở 57 quốc gia đang phát triển bị từ chối quyền quyết định quan hệ tình dục với bạn đời, sử dụng biện pháp tránh thai hoặc chăm sóc sức khỏe. Đây là lần đầu tiên LHQ thực hiện thống kê và báo cáo tập trung vào quyền tự chủ của cơ thể: quyền tự quyết định về cơ thể của chính mình mà không sợ bạo lực hoặc để người khác quyết định thay.
Vấn đề thiếu tự chủ về cơ thể không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến từng cá nhân phụ nữ hoặc trẻ em gái mà còn tác hại sâu sắc đến nền kinh tế và dẫn đến những chi phí phát sinh cho hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
My body is my own (Cơ thể tôi là của tôi) là tên của bài báo cáo do UNFPA thực hiện lần này, nghiên cứu các vụ tấn công phụ nữ và trẻ em gái ở 57 quốc gia. Các vụ việc này bao gồm cưỡng hiếp, cưỡng bức triệt sản, kiểm tra trinh tiết và thậm chí cưỡng bức cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Thông qua báo cáo này, UNFPA thực hiện đo lường cả về quyền của phụ nữ trong quyết định đối với cơ thể mình và mức độ luật pháp của các quốc gia ủng hộ hoặc can thiệp vào quyền của phụ nữ trong việc đưa ra những quyết định này.
Dựa trên thống kê thu thập được từ các quốc gia có sẵn dữ liệu, báo cáo chỉ ra:
- Chỉ 55% phụ nữ được trao toàn quyền lựa chọn chăm sóc sức khỏe, tránh thai và khả năng nói có hoặc không với quan hệ tình dục.
- Chỉ 71% các quốc gia đảm bảo được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể.
- Chỉ 75% các quốc gia đảm bảo hợp pháp tiếp cận đầy đủ, bình đẳng với các biện pháp tránh thai.
- Chỉ khoảng 80% các quốc gia có luật hỗ trợ sức khỏe tình dục và hạnh phúc.
- Chỉ có khoảng 56% quốc gia có luật và chính sách hỗ trợ giáo dục tình dục toàn diện.
Tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành UNFPA, cho biết: "Thực tế, gần một nửa số phụ nữ vẫn không thể tự quyết định về các vấn đề như có nên quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai hoặc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, về bản chất, hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái đang không được "sở hữu" cơ thể của chính mình. Cuộc sống của họ đang bị chi phối bởi những người khác".
Ngoài ra, báo cáo lần này cũng cho thấy:
- 20 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ áp dụng luật "kết hôn với kẻ cưỡng bức". Luật này "giúp" một người đàn ông phạm tội cưỡng hiếp có thể thoát khỏi bị truy tố hình sự nếu kết hôn với nạn nhân bị cưỡng hiếp.
- 43 quốc gia không có luật giải quyết vấn đề cưỡng hiếp trong hôn nhân (bị cưỡng hiếp bởi vợ hoặc chồng).
- Hơn 30 quốc gia hạn chế quyền đi lại của phụ nữ bên ngoài nhà của họ.
- Trẻ em gái và trẻ em trai khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực tình dục cao hơn gần 3 lần, trong đó trẻ em gái có nguy cơ cao nhất.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra thực trạng rằng những nỗ lực giải quyết các hành vi lạm dụng có thể dẫn đến vi phạm thêm về quyền tự chủ cơ thể. Ví dụ, để khởi tố một vụ án hiếp dâm, hệ thống tư pháp hình sự có thể yêu cầu một người sống phải kiểm tra liệu rằng có bị xâm hại trinh tiết hay không.
Từ chối quyền tự chủ cơ thể là vị phạm nghiêm trọng quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, cần cân nhắc các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các cuộc tấn công tình dục hoặc bạo hành để tránh tướt đoạt quyền cơ thể này. Một người phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể của mình có thể phát triển nhiều mặt khác trong cuộc sống, từ y tế, giáo dục đến cả kinh tế.