Khoảng lặng lễ hội để nhìn rõ về tục đốt vàng mã

Nguyễn Văn Công
11/03/2021 - 08:30
Khoảng lặng lễ hội để nhìn rõ về tục đốt vàng mã

Ảnh minh họa

Dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều lễ hội lớn bị dừng tổ chức trong 2 năm liên tiếp. Trong văn hóa, đây là khoảng thời gian quý giá để nhìn lại những lệch lạc của đời sống sinh hoạt tinh thần, trong đó có tục đốt vàng mã.
Gốc nhân văn... ngọn biến tướng

Đốt vàng mã là nhu cầu tâm linh lâu đời của người sống dành cho người đã khuất. Tuy vậy chưa biết linh hồn ở cõi âm đã nhận và sử dụng được "vật tế" như thế nào, mà nhiều hậu quả đã xảy ra ngay với người đốt như vụ hỏa hoạn thương tâm gần đây.

Ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 một sự việc thương tâm đã xảy ra ngay tại Hà Nội. 4 thanh niên tử vong tại phòng trọ do ngạt khí ngày 4/2/2021 tức ngày 23 tháng Chạp. Sự việc đau lòng này khiến ai biết đều cảm thấy bàng hoàng, xót xa. Nguyên nhân ngạt khí dẫn đến chết người từ việc hóa vàng mã tiễn ông Công ông Táo chầu trời, sau đó cháy lan sang các xe máy gần đó.

Khoảng lặng lễ hội để nhìn rõ về tục đốt vàng mã - Ảnh 1.

Những con ngựa mã chuẩn bị được đem đi hóa tại một đền thờ mẫu ở Thường Tín (Hà Nội)

Câu chuyện hỏa hoạn do đốt vàng mã, tiền giấy không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ vì nó vẫn tồn tại trong đời sống và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn chết người. Các vụ cháy tại chợ Quang (Thanh Trì, Hà Nội) năm 2018, cháy căn hộ tầng 20 khu block B chung cư Gold View (TP.HCM), cháy tại quán Karaoke tầng 7 đường Hào Nam khiến cột viễn thông bị thiêu rụi năm 2019... đều xuất phát từ mồi lửa vàng mã...và còn hàng trăm vụ cháy nhỏ khác còn chưa được liệt kê ra.

Trước tiên, phải nói rằng tục đốt vàng mã xuất phát ban đầu mang tính nhân văn và tiết kiệm. Thời nhà Chu (Trung Quốc), khi vua chúa băng hà thì vợ, thê thiếp, vàng bạc, đồ dùng hàng ngày đều phải chôn theo (tuẫn táng) để phục vụ vua ở cõi âm. Đến thời nhà Hán, do sự phản đối của các bậc danh Nho thì tuẫn táng bị xóa bỏ vì tính vô nhân đạo nheng vẫn giữ tùy táng (chôn theo đồ dùng). Đến thời nhà Đường, thì đã chấp nhận đồ mã, tiền giấy thay cho đồ thật để tránh lãng phí. Tập tục này lưu truyền vào nước ta khoảng thế kỷ thứ 7.

Trải qua hàng ngàn năm, đốt vàng mã đã ăn sâu vào tâm thức, tín ngưỡng người Việt. Người ta quan niệm trần sao âm vậy, đốt nhiều vàng mã để cho người âm được sung túc rồi phù hộ cho con cháu được nhận lại như vậy trên dương gian. Trước tiên, ý niệm đó ít nhiều cũng thể hiện sự tưởng nhớ (chữ Hiếu) với tổ tiên, thành kính với thần linh, sau thể hiện khát vọng về một cuộc sống đầy đủ, dư dả trong nền văn minh nông nghiệp đậm chất ở Việt Nam.

Tuy vậy, khi xã hội công nghiệp phát triển, dân cư đông đúc, đô thị hóa nơi nơi thì đốt vàng mã lại dễ là "mồi lửa" thiêu rụi chính cơ ngơi sung túc đó. Có thể thấy hỏa hoạn do đốt vàng mã gây nên chủ yếu đến từ các khu chợ, khu đông dân cư hay nhà trọ, địa điểm kinh doanh mà ít xảy ra ở vùng nông thôn hơn.

Ngoài ra, người càng có điều kiện thì lại càng có xu hướng bỏ nhiều tiền hơn đốt vàng mã, lo việc tâm linh, thế mới có câu "phú quý sinh lễ nghĩa", tôi đã từng thấy người ta hóa vàng mã đến cả trăm triệu đồng cho một buổi lễ gồm mọi thứ "tối tân" nhất trên đời như tivi, tủ lạnh, điện thoại, nhà lầu, voi ngựa, thậm chí cả... máy bay. Còn đối với lễ dâng sao giải hạn, người ta đốt hình nhân thế mạng.

Chúng ta đều biết, đã gọi là "thế" thì không phải thật. Nếu đã tin "hình nhân thế mạng" thì phải hiểu được rằng, những đồ khác như tiền giấy, vàng mã khi hóa sao có thể thành đồ thật. Âu cũng là sự tự đánh lừa mình, lấy sự dối trá đó để trấn an sự sợ hãi trong chính mình, như vậy đã là biến tướng so với giá trị từ khi mới hình thành.

Khó bỏ ngay nhưng cần hạn chế và an toàn

Gây ra nhiều thiệt hại về người, của nhưng để người dân bỏ được tục đốt vàng mã, hoặc hạn chế ở mức tối thiểu là chuyện không phải một sớm một chiều. Trước tiên, phải có những hướng dẫn, cảnh báo đốt vàng mã an toàn, xử phạt đối với hành vi đốt vàng mã tại các nơi có nguy cơ cháy nổ, đe dọa tài sản của người khác.

Khoảng lặng lễ hội để nhìn rõ về tục đốt vàng mã - Ảnh 2.

Trải qua hàng ngàn năm, đốt vàng mã đã ăn sâu vào tâm thức, tín ngưỡng người Việt.

Ở các khu dân cư đông đúc, không gian chật hẹp, nhà nhà biệt lập với nhau, dây điện chằng chịt, trong nhà thường có một vài chiếc xe máy càng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, chỉ cần một tàn lửa bay theo gió có thể thiêu rụi mọi thứ. Chưa kể, hỏa hoạn ở đô thị thiệt hại thường nặng nề hơn khi nhà cửa thường được khóa kỹ, lối vào nhỏ, không có lối thoát hiểm, nước không sẵn khi đám cháy còn nhỏ...

Mỗi vụ cháy đi qua, người ta chỉ giật mình chốc lát và nói về sự chủ quan của người đốt mà thiếu đi nguyên nhân khách quan từ việc "niềm tin quá mức" dẫn đến mê tín dị đoan.

Về góc độ kinh tế, mỗi bộ vàng mã bình dân dao động từ 100 đến 200 ngàn đồng, gia đình có điều kiện thì bộ mã có thể lên đến vài triệu đồng. Mỗi năm một gia đình đốt vàng mã khoảng 30 lần (các ngày rằm và mùng một, giỗ, tết) ước tính một năm người Việt tiêu tốn vài trăm tỷ đồng để đốt vàng mã.

Đạo Phật rất gần gũi với văn hóa Việt tuy nhiên giáo lý nhà Phật cũng không ủng hô việc đốt vàng mã. Hiện nay, tại nhiều chùa đều có treo biển không đốt vàng mã, không có nơi hóa vàng, không thắp hương. Hiện giờ, lễ dâng sao giải hạn vẫn còn tồn tại ở nhiều đền chùa với quy mô không hề nhỏ, có đến hàng trăm hình nhân thế mạng, vàng mã đốt đi sau mỗi buổi cúng lễ, số tiền đốt đi không hề nhỏ.

Hướng đến tâm thành, chăm lao động và thương yêu nhau

Có người nói, đồ mã là đồ giả, nên tế lễ đồ thật, sau đó chúng ta "thụ lộc". Đây là một ý kiến hay, niềm tin về vào tâm linh và sự an toàn, tiết kiệm ở đời được đảm bảo. Cố nhiên, chúng ta không nên tế lễ mọi thứ và cố gắng phô trương mà nên chỉ chủ yếu tế lễ đồ ăn, sự thành tâm và chăm chỉ lao động mới có thể đem lại cho chúng ta cuộc sống sung túc, cầu xin chỉ là sự an ủi chính mình. Nếu như mọi thứ vàng mã chúng ta đốt đi mà người đã khuất nhận được đồ thật có thể dùng được, thì có phải là cuộc sống quá dễ dãi không?

Nếu đốt, chỉ đốt tượng trưng "của ít lòng nhiều" và phải canh gác đến khi dập tắt hoàn toàn, thực hiện khuyến cáo dội nước ngay sau khi đốt, không đốt khi trời hanh gió, phải tránh xa các vật dễ cháy hay xe máy, không lập bàn thờ nơi chật chội, xem xét kỹ hệ thống điện trên bàn thờ... những nơi như công sở, phòng trọ không nên lập bàn thờ.

Ban Văn hóa xã hội cấp xã cần có nhiều hoạt động tuyên truyền về hạn chế đốt vàng mã trên loa phát thanh vào các ngày lễ người dân đốt vàng mà nhiều như tết nguyên tiêu, lễ vu lan, tết hàn thực, tết đoan ngọ, tết ông Công ông Táo....

Năm ngoái và rồi cả năm nay, dịch bệnh Covid làm cho nhiều lễ hội tạm dừng, việc đốt vàng mã tại nhà trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng giảm ít nhiều (có lẽ do ảnh hưởng của kinh tế). Đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được cho dù không thể đi lễ, hóa vàng thì tổ tiên vẫn sẽ luôn phù hộ cho chúng ta nếu chúng ta sống lương thiện và chăm chỉ lao động, biết yêu thương giúp đỡ người nghèo khó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm