Thượng tọa Thích Nhật Từ: Thay vì đốt vàng mã, hãy tạo ra các giá trị thật sự có ích cho cộng đồng

Hưng Long
03/02/2021 - 15:19
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Thay vì đốt vàng mã, hãy tạo ra các giá trị thật sự có ích cho cộng đồng

Thượng tọa Thích Nhật Từ

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, đốt vàng mã là tiêu phí tiền bạc vào sự mê tín và sự sợ hãi. Dù cúng tế các thần linh thì nỗi bất hạnh vẫn còn y nguyên và thậm chí chỉ có giá trị trấn an kèm theo rất nhiều nỗi sợ hãi.

Những ngày giáp Tết, việc cúng đưa ông Công, ông Táo và cúng các thần linh luôn diễn ra rầm rộ. Người dân xem đây là thói quen hay tập tục không thể thiếu trong mỗi gia đình. PV Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TPHCM xung quanh vấn đề này.

Đốt vàng mã làm tiêu phí tiền bạc vào sự mê tín và sự sợ hãi

Thượng tọa Thích Nhật Từ dẫn giải, nguồn gốc văn hóa, tập tục đưa ông Táo không phải của người Việt Nam. Đây là tập tục có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tập tục đưa ông Công, ông Táo có nhiều điểm bất cập và không phản ánh đúng hiện thực. Mặc dù những thông điệp ẩn sau câu chuyện ông Táo về báo với thượng đế những chuyện xảy ra trong gia đình để thưởng, để phạt.

Thực ra, chúng ta cũng xem đó là dịp để sum vầy người thân, kiểm điểm lại việc làm tốt, việc làm chưa tốt; tha thứ, rộng lượng bao dung; kêu gọi mọi người rộng lượng, quảng đại để bỏ qua cho nhau và hướng đến một tương lai tươi sáng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ lập luận, hiện nay, người dân bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Con cá chép là một loại cá yếu sức sống, sống trong môi trường nước ngọt như: Ao, hồ… Cá chép phóng sinh ra môi trường bên ngoài sẽ không sống nổi. Người dân phóng sinh cá chép chỉ giúp ít cho những người chuyên kinh doanh lĩnh vực này.

Phóng sinh cá chép không góp phần cho nền kinh tế nói chung mà còn làm khủng hoảng môi trường. Các bọc ny-lông sau khi phóng sinh cá chép xuống sông, hồ rất nhiều. Cùng với đó, tập tục mê tín ông bà chết nằm ở dưới âm phủ vĩnh hằng. Người dân mua giấy tờ vàng mã bằng cách đốt cho ông bà. Đây là tập tục cũng xuất phát từ Trung Hoa.

Thượng tọa Thích Nhật Từ so sánh, với Ai Cập thì nền văn hóa Trung Hoa có phần tiến bộ hơn. Vị vua Ai Cập là Pharaoh làm Kim Tự Tháp, chôn ngọc ngà châu báu dưới đế Kim Tự Tháp, tẩm ướp hóa chất thi thể để được tồn tại ngàn năm với kỳ vọng tiếp tục được hưởng lạc, hạnh phúc dưới âm phủ với hoàng hậu và các cung tần, mỹ nữ cùng bị chôn sống theo.

Từ hiện thực này, người Trung Hoa cải biên. Thay vì chôn vàng bạc thật, người thật thì họ chôn và đốt bằng giấy vàng bạc giấy. Thay vì chôn người thật thì người Trung Hoa làm người bằng hình nộm. Thay vì làm Kim Tự Tháp thì người Trung Hoa làm nhà bằng giấy để đốt hoặc chôn theo cho người chết.  

Về bản chất, theo Phật giáo thì người chết không tồn tại dưới lòng đất mà tiếp tục được tái sinh tùy theo nghiệp Phước hay nghiệp Tội. Bản chất của giấy vàng bạc mã, người bằng mã hay nhà bằng vàng mã thì chưa đốt cũng không có giá trị sử dụng. Khi đốt rồi tạo ra sự ô nhiễm môi trường, tiêu phí tiền bạc vào sự mê tín và sự sợ hãi.

Hãy tạo ra các giá trị thật sự có ích cho cộng đồng hơn là đốt vàng mã

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, việc đốt giấy tiền vàng bạc, hàng mã cũng như thả cá chép không làm lợi ích cho cộng đồng, cho các đương sự thực hiện các công việc này. Đạo Phật từ lâu không khuyến khích, khích lệ các hình thái mê tín nói trên. Rất tiếc, một bộ phận người dân không hiểu và lầm tưởng nguồn gốc phóng sinh, đốt giấy vàng mã có xuất phát từ Đạo Phật.

Từ việc cúng ông Công, ông Táo, người dân mang vô chùa để phóng sinh cá và đốt giấy vàng mã. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã từng có nhiều công văn của Hội đồng trị sự hướng dẫn chúng sinh đừng mê tín tập tục này. Phật Giáo khích lệ người dân dùng tiền mua vàng mã, cá chép để biến thành cơ hội làm những việc có ích cho xã hội.   

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Người dân không nên cúng theo tục cúng Công, ông Táo - Ảnh 1.

Cá chép thường được thả phóng sinh trong ngày cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh mimh họa)

Thượng tọa Thích Nhật Từ trăn trở, hiện nay, người dân miền Trung ở Việt Nam vừa trải qua nhiều cơn bão lũ làm sập hàng chục ngôi nhà, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Số người chết và để phục hồi kinh tế phải mất hàng chục năm sau. Xã hội đang rất cần những tấm lòng thương cảm của những người có điều kiện vật chất và may mắn hơn.

Hãy biến cơ hội này thành dịp mang lại niềm vui sum vầy cho các nạn nhân từ cơn bão lũ vừa qua. Hơn hết, người dân đang vật lộn với đại dịch Covid-19 khiến kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn. Nhiều hoạt động khác trong xã hội bị tê liệt, đóng băng. Tình hình khủng hoảng toàn cầu đang có nguy cơ lan rộng thì việc tiết kiệm trong các lễ cúng là cần thiết.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, người dân cần chú trọng tập tục cúng là để tự kiểm điểm, khắc phục lại mình trước ông bà, tổ tiên. Đạo Phật chú trọng đến chúng sinh giải pháp thay vì chú trọng giải thích. Đưa ra giải pháp mới có thể khắc phục được cái nghèo, cái khổ, sự bất hạnh và trở ngại để vươn tới sự thành công, biến giấc mơ thành hiện thực.

Dù cúng các thần linh thì nỗi bất hạnh vẫn còn y nguyên và thậm chí chỉ có giá trị trấn an kèm theo rất nhiều nỗi sợ hãi. Phật Giáo thường tìm giải pháp, nguyên nhân thay vì trấn an chúng sinh. Khi rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thì có giải pháp để dứt điểm được các bế tắc mà chúng ta đang gặp phải.

Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định, tin ở Đạo Phật, người dân không nên cúng theo tục đưa ông Công, ông Táo về trời. Không phải thả cá chép thả, gây mất vệ sinh từ bao ni-lông. Không mua giấy vàng mã đốt gây ô nhiễm môi trường. Người dân hãy tạo ra các giá trị thật sự có ích cho cộng đồng, cho con người.     

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm