Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần sự trợ lực lâu dài

An Nhi (thực hiện)
17/07/2024 - 22:18
Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần sự trợ lực lâu dài

Chị Lê Thị Nhung - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ

Chị Lê Thị Nhung - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ (Thanh Hóa) - cho biết khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi những trăn trở và trợ lực đường dài để các mô hình phát triển bền vững.

Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thị Nhung - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ (còn gọi là Nông trại Nhung Farms) tại xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa - để tìm hiểu rõ hơn về những kinh nghiệm trong quá trình chị Nhung khởi nghiệp làm ra sản phẩm dưa lưới sạch.

- PV: Cơ duyên nào khiến chị quyết định dấn thân vào làm một nhà nông thực thụ?

- Chị Lê Thị Nhung: Tôi vốn là con gái Nghệ An, lấy chồng làm dâu Thanh Hoá và từng công tác trong lĩnh vực nhiệt điện ở Khu công nghiệp Nghi Sơn. Nói là cơ duyên nghe có vẻ to tát chứ thực tình, tôi chỉ là một người phụ nữ đam mê vườn tược, lại nghĩ tại sao nhà có đất có vườn mà mình không tận dụng nên ban đầu, tôi trồng các cây trồng, rau, củ quả mang tính hàng hóa thôi. Sau đó thử nghiệm trồng cây dưa lưới thấy năng suất nên quyết định đầu tư nghiêm túc và gắn bó với nó đến giờ.

- PV: Vậy hiện nay, quy mô trang trại đã được chị đầu tư như thế nào?

- Chị Lê Thị Nhung: Năm 2020, vợ chồng tôi chính thức thành lập HTX nông nghiệp xanh CNC Hồng Nhuệ. Tôi hay đưa lên các trang mạng xã hội là Nhung Farms để mọi người dễ nhớ. Tôi đầu tư xây dựng 6.500m2 nhà màng và hơn 2ha ngoài trời làm nơi sản xuất chính... Sản phẩm chủ lực của HTX là dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa leo... Ngoài ra, tùy mùa vụ, HTX còn cung cấp ra thị trường các loại rau dinh dưỡng khác. 

Nhận thấy tiềm năng dồi dào từ nguồn nguyên liệu khoai tây tại địa phương, đầu năm 2024,  tôi cũng đầu tư thêm máy móc, vận hành thử nghiệm dây chuyền chế biến để làm các sản phẩm snack khoai tây và khoai tây đông lạnh. Kết quả thu được cũng khá khả quan.

- PV: Chắc hẳn khi mới làm, chị cũng gặp phải không ít khó khăn. Chị có thể chia sẻ rõ hơn cũng như cách vượt qua giai đoạn đó như thế nào?

- Chị Lê Thị Nhung: Lúc đầu, tôi chỉ mong muốn đơn giản là có một khu trang trại của riêng gia đình để trồng những thứ mình thích. Song, khi bắt đầu dấn thân vào con đường khởi nghiệp nông nghiệp, tôi mới "thấm" nỗi vất vả của những người nông dân. Nếu chỉ làm nông nghiệp thuần túy ngoài trời thì không mang lại hiệu quả, còn đầu tư các khu sản xuất nhà màng đồng bộ thì chi phí ban đầu bỏ ra lớn mà thu hồi vốn chậm. Phải thực sự kiên trì, quyết tâm và cần một chiến lược dài hơi thì mới có thể trụ vững và mang lại kết quả.

Còn hiện nay, khi mọi thứ đã đi vào quy trình thì lại có những khó khăn lớn hơn như chưa có nhiều điều kiện về vốn, mặt bằng để đầu tư máy móc, trang thiết bị, kho lạnh hiện đại hơn để có thể làm được quy mô nhà xưởng đồng bộ, hướng đến thị trường xuất khẩu. 

Mạnh dạn khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao- Ảnh 1.

Ngoài sản xuất dưa lưới, chị Nhung còn chế biến để làm các sản phẩm snack khoai tây và khoai tây đông lạnh từ nguồn khoai trồng tại chính Hoằng Hoá (Thanh Hoá)

- PV: Với những nỗ lực đó, chị cảm thấy thành quả mình đạt được đã đáp ứng kỳ vọng bản thân đặt ra chưa?

- Chị Lê Thị Nhung: Toàn bộ sản phẩm Dưa Lưới, Dưa Vàng Kim Hoàng Hậu của nông trại Nhung Farm đều được chăm sóc đặc biệt theo quy trình riêng của HTX. Dưa được chăm sóc tính toán, đo lượng dinh dưỡng nhu cầu cần thiết mỗi ngày. Với việc đáp ứng được các tiêu chuẩn cho phép, hiện sản phẩm của chúng tôi đã được cấp chứng nhận Sản phẩm OCOP 3  của tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với đó, chúng tôi cũng chế biến thành công sản phẩm dưa bao tử ngâm giấm mơ đặc biệt, các sản phẩm chế biến từ khoai tây. Đây là hướng đi lâu dài mà tôi đang hướng đến để tạo sinh kế bền vững cho chính mình và cả bà con. Do đó, tôi chưa bao giờ cho phép mình tự hài lòng mà luôn nỗ lực, sáng tạo hơn nữa.

- PV: Vậy hiện nay, chị đã có kế hoạch cụ thể gì để phát triển thương hiệu hơn nữa?

- Chị Lê Thị Nhung: Nhung Farms đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 5 đơn vị vệ tinh khác ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống... cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Tôi cũng tích cực học hỏi để làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, giới thiệu, đưa các sản phẩm vào hệ thống thực phẩm sạch, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở một số tỉnh/thành và thường xuyên góp mặt tại các hội chợ quảng bá, các phiên chợ giao lưu, kết nối để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Quan trọng nhất là phải tìm được cách tiếp cận nguồn vốn vay dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì mới có cơ hội hướng ra thị trường lớn.

- PV: Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm