Không cần những đề thi mẹo mực với học sinh lớp 5

25/05/2017 - 13:40
Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, sau câu chuyện học sinh lớp 5 ở Nghệ An “khóc như mưa” vì đề thi cuối kỳ quá khó. Ông cũng đưa ra lời khuyên hữu ích cho thầy cô, cha mẹ đối với trẻ ở giai đoạn chuyển tiếp này.

- Học sinh lớp 5 ở TP Vinh (Nghệ An) vừa qua đã “khóc như mưa” khi đề Toán và Tiếng Việt cuối kỳ quá khó. Phải chăng học sinh vẫn chịu quá nhiều áp lực từ việc học, thưa ông?

Đối với học sinh tiểu học, việc học tập chỉ nên ở mức thông qua chương trình giảng dạy để thầy cô giáo cung cấp tri thức một cách khái quát, giúp các em tìm hiểu tự nhiên, xã hội xung quanh mình chứ không quá nặng về lý thuyết hàn lâm. Nếu chỉ đưa ra những bài toán mẹo, khó, điều này hoàn toàn không phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh sắp đổi mới chương trình tổng thể.

Tôi cũng được biết, hiện nay các hình thức thi cử ở cấp tiểu học đều bắt đầu hạn chế. Các Sở GD&ĐT phải nắm được tinh thần đó để chỉ đạo, làm sao phát huy được những yếu tố khác ở con trẻ thay vì nặng nề dạy kiến thức như trẻ phải thích học và học ở mức độ tiếp cận tối thiểu kiến thức toán, tiếng Việt, cùng với đó là được tìm hiểu tự nhiên, xã hội một cách khái quát, cơ bản.

 TS Nguyễn Tùng Lâm

- Vấn đề ở chỗ, nhiều giáo viên và phụ huynh vì coi trọng điểm số mà vô tình tạo áp lực không nhỏ cho con. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Theo tôi, giáo dục hiện đại là phải chú ý năng lực phẩm chất của người học chứ không phải là điểm số. Giáo sư Horward Gardner đã chỉ ra con người có đến 8 loại trí thông minh chứ đâu phải chỉ giỏi toán, giỏi văn mới là thông minh!

Có những cháu quan sát giỏi, làm chủ tự nhiên sau này có thể sẽ thành nhà sinh vật học. Cháu nào đá bóng giỏi hoàn toàn có thể trở thành cầu thủ hoặc nhiều cháu sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng trong tương lai nếu hát hay và biết cảm thụ âm nhạc…

Khái niệm giỏi văn, toán là thông minh đã hoàn toàn quá cũ rồi! Bất cứ điểm mạnh nào của con, bố mẹ cũng cần phát hiện và tạo điều kiện tối đa để con phát huy và trân trọng những khả năng đó.

Điểm khác còn yếu thì phải chấp nhận trước mắt đã sau đó có thể tìm cách để con trở về mức trung bình chứ chưa nên kỳ vọng là con phải giỏi ngay. Bố mẹ hãy nhớ, đừng quá tham lam và ép buộc con mình, cứ thấy con nhà người ta giỏi môn này môn kia cũng bắt con mình học theo thì rất ấu trĩ.

Thay vào đó, cha mẹ có thể gợi ý cho con, nếu con thích thú thì tạo điều kiện cho con học môn đó, còn con không thích thì cũng đừng nên nên ép buộc con.

Cha mẹ và nhà trường đừng nên quá coi trọng điểm số mà gây áp lực học hành cho trẻ ở lứa tuổi này. Ảnh minh họa

- Phụ huynh có con ở lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là học sinh cuối cấp cần có những lưu ý đặc biệt nào về mặt chuẩn bị tâm lý, kỹ năng, ngoài việc chỉ học kiến thức, thưa ông?

Hết lớp 5, lên lớp 6 là một mốc chuyển tiếp quan trọng với học sinh. Đây là giai đoạn các cháu bắt đầu học tách ra từng môn, học kiến thức chuyên sâu hơn.

Vì thế thầy cô, đặc biệt là cha mẹ cần lưu ý, trước hết cần tạo được tâm lý háo hức, phấn khởi cho các cháu trước chương trình hoàn toàn mới với nhiều môn học mới lạ.

Điều quan trọng là kích thích sự tò mò của trẻ, trẻ thấy tò mò, thích thú thì mới có động lực để học và tiếp cận các môn học mới. Lấy sự mới lạ để kích thích trẻ chứ đừng lấy khối lượng kiến thức để “đe dọa” các cháu.

Thứ hai, trên cơ sở sự thích thú của trẻ, có thể khuyến khích trẻ tìm hiểu tri thức thông qua các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi. Điều này khác với cấp tiểu học ở chỗ chơi mà học, vẫn tiếp tục được chơi nhưng vận dụng kiến thức được học vào những trò chơi và thực tế đời sống. Cách tiếp cận này linh hoạt và nhẹ nhàng hơn nhiều.

Một yếu tố nữa cha mẹ cũng nên để ý với lứa tuổi này là cần rèn cho con năng lực chú ý, tập trung. Ở cấp tiểu học, trẻ có thể chỉ ngồi 15 - 20 phút là tốt rồi, nhưng lên cấp THCS thì phải ngồi ít nhất 30 phút một cách chú ý, tập trung hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm