pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không cào bằng tỉ lệ giảm biên chế với giáo viên vùng cao
Ảnh minh hoạ
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang - đã đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về vấn đề thiếu giáo viên vùng cao.
Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: "Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên các cấp học. Nếu vẫn tiếp tục giảm 10% viên chức như Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trong phiên chất vấn là giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng cường các đơn vị sự nghiệp tự chủ. Tuy nhiên, đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo không có khả năng để thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp thì tình trạng thiếu giáo viên lại càng trầm trọng.
Xin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp nào để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới và câu hỏi này tôi cũng dành cho Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này?".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Để giải quyết được việc này đúng là cần phải đưa ra các giải pháp rất đồng bộ. Hiện nay, ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, việc thiếu giáo viên lại càng nhiều hơn và với các bậc mầm non và tiểu học thì lại thiếu nhiều hơn các bậc học khác.
Trong 5 năm qua, chúng ta đã sắp xếp, dồn dịch được 3.033 điểm trường. Việc dồn dịch này cũng đã góp phần khắc phục thiếu giáo viên, căng thẳng giáo viên do sự phân tán. Trong thời gian tới, việc dồn dịch cần tiếp tục thực hiện ở các khu vực còn có thể sắp xếp được.
Đối với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, thì biên chế viên chức lại chủ yếu là giáo viên. Ngành Giáo dục đã đề nghị là tỷ lệ này không nên cào bằng máy móc giống nhau ở các địa phương. Đối với các nơi có tỷ lệ biên chế là viên chức giáo dục lớn hơn thì cần cân nhắc đối với việc giảm này để đảm bảo có đủ giáo viên. Còn ở các vùng kinh tế khá hơn, khả năng xã hội hóa tốt hơn thì cần có giải pháp chia sẻ đối với các tỉnh miền núi và khu vực khó khăn.
Xem xét từ khâu dự báo, nhu cầu quy hoạch
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Vấn đề đại biểu Leo Thị Lịch nêu, tôi rất đồng tình, bởi vì hiện nay đội ngũ cán bộ đang thiếu, đặc biệt là trong cơ chế giảm 10%. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải xem xét từ khâu dự báo, nhu cầu quy hoạch.
Ở đây không chỉ trong ngành giáo dục, kể cả vấn đề vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn, tôi cho rằng vấn đề sắp xếp quy hoạch các trường, lớp và bố trí dân cư để đi kèm với đầu tư các hạ tầng xã hội như giáo dục là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, chính sách để huy động lực lượng giáo viên đào tạo tại chỗ cho vùng sâu, vùng xa.
Tiếp đó, phải giải quyết một cách thỏa đáng giữa vấn đề tự chủ, vấn đề xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất giáo dục.