pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần tạo quỹ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lớn. Ảnh: Hùng Võ
Góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phát biểu tại hội trường ngày 3/11, đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh dẫn chứng, đến năm 2023, theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, có trên 24.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, gần gấp đôi số đó thiếu đất sản xuất.
Đại biểu Bế Trung Anh cho biết, nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có điều khoản nào quy định tạo quỹ đất để giao cho đồng bào. Đại biểu kiến nghị bổ sung một điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này, nếu không sẽ lại có 20 năm lặp lại việc không hoàn thành nhiệm vụ nội dung của Nghị quyết 24.
"Tôi kiến nghị bổ sung điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này. Nhiều tỉnh thành cho rằng hiện nay không còn quỹ đất để thực hiện chính sách và chúng ta không thể chia số 0 cho bất cứ việc gì" – đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Điều 16 dự thảo luật nêu, đảm bảo cho đồng bào của đất sinh hoạt cộng đồng nhưng trong luật cũng không có định nghĩa về loại đất này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, cần thể chế hoá đúng, đủ về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để có được kết quả trình Quốc hội thảo luận.
Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu nhận thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách được hỗ trợ, và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ chỉ rõ, Điều 16 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải là cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang phải sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Như vậy, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương....
Tiếp đó, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, khoản 2 Điều 16 quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo quy định.
Khoản 3 Điều 16 quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định.
Đại biểu cho rằng, các quy định chính sách chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu hẹp chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, không phù hợp với nội hàm tên của Điều 16 là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh lý nội dung điều này cho phù hợp với chính tên của điều luật, đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số.