Đại biểu Quốc hội: "Cái no lo chưa tới" với trẻ em dân tộc thiểu số

H.Y
04/11/2023 - 10:27
Đại biểu Quốc hội: "Cái no lo chưa tới" với trẻ em dân tộc thiểu số

Ảnh minh hoạ

Việc phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ.

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Đề cập đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ vui mừng khi Chương trình đã góp phần thực hiện quyền trẻ em và đảm bảo các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ em tiếp cận được các dịch vụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có hai chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Theo đó, chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đạt 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao phải dưới 15%; trẻ thấp còi là 25%, trong khi kế hoạch giao là dưới 15%...

Đại biểu Quốc hội: "Cái no lo chưa tới" với trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Theo đại biểu, năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào 01 trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Kể từ đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa khả quan; Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhận định tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ. Đại biểu cho rằng: "cái no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm đúng, đủ chất"; vẫn còn nơi có tập quán chăm sóc trẻ lạc hậu;... Mặt khác, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn bất cập.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra; đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

Đề cập đến việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, trong khi các ngành khoa học, việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới thì ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại. Đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn.

Chậm trễ trong việc cấp điện cho hơn 900.000 hộ dân ở thôn bản

Còn đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ lo ngại trước việc chậm trễ cấp điện cho hơn 900.000 hộ dân ở thôn bản. Đại biểu dẫn chứng, tại Tờ trình số 3462 ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng nguồn vốn khoảng 29.779 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội: "Cái no lo chưa tới" với trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hiện nay chưa cân đối được khoảng hơn 20.883 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.

Tiếp đó, việc mai một, mất dần bản sắc văn hóa dân tộc đang diễn ra do tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; môi trường văn hóa bị pha tạp, ảnh hưởng của văn hóa nhập ngoại; lực lượng thanh niên tập trung đi lao động phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến việc giữ gìn các bản sắc giá trị văn hóa dân tộc, thậm chí quên tiếng nói, chữ, viết, các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Trong thời gian tới, nếu không có chính sách đổi mới đủ mạnh thì sẽ khó để bảo tồn và phát triển sự đa dạng những bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị quan tâm bố trí cân đối nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để gần 2 triệu người dân được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao dân trí, an sinh xã hội, đem lại sự đổi mới, phát triển kinh tế khi có ánh sáng và nguồn điện đem tới. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đại biểu Quốc hội: "Cái no lo chưa tới" với trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nữ đại biểu cũng đề nghị quan tâm bố trí thêm nguồn lực từ chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và để có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số cần có sự quan tâm triển khai trong hệ thống giáo dục để thế hệ trẻ, các bạn học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhi đồng biết yêu, biết giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Từ đó, biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thu hút phát triển du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp để trao truyền lại cho muôn đời sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm