Nên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số hơn là thêm một bộ sách giáo khoa

H.Y
04/11/2023 - 09:52
Nên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số hơn là thêm một bộ sách giáo khoa

Ảnh minh hoạ

Thay vì Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK thì nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị; sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn.

Tuần qua, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu quan điểm tranh luận về việc có nên thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) nữa hay không. Đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, thay vì Bộ tổ chức biên soạn một bộ SGK thì nên tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị; sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn.

Một trong những kiến nghị quan trọng của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông" là khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số; sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học. Đây là vấn đề cần bắt tay làm ngay nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh dân tộc thiểu số.

Nên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số hơn là thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng dân tộc thiểu số được quy định là môn học tự chọn. Trên cơ sở chương trình tổng thể, chương trình 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khmer, Chăm, Êđê, M'Nông, Mông, Thái, Jrai, Ba Na) đã được ban hành kèm theo Thông tư 34/2020/TT-BGDĐT. Thời lượng môn học này là 70 tiết/năm học.

Theo đó, SGK tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành và sử dụng trong các trường phổ thông đối với lớp 1, lớp 2; SGK lớp 3, lớp 4 đang được biên soạn. Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030" cũng được Chính phủ phê duyệt.

Chậm ban hành chương trình, SGK tiếng dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, Chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số (2020) ban hành chậm 2 năm so với Chương trình tổng thể (2018); dẫn tới chậm phát hành SGK tiếng dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tới hoạt động dạy học.

Nên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số hơn là thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 2.

Sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số

Cụ thể, cuối năm 2022, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới phê duyệt SGK tiếng dân tộc thiểu số lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong khi lớp 1 triển khai Chương trình mới từ năm học 2020 - 2021; đến nay, học sinh đã kết thúc chương trình lớp 2, 3, 6, 7 và 10.

Việc biên soạn SGK tiếng dân tộc thiểu số không thực hiện được theo phương thức xã hội hóa. Dù có chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ biên soạn SGK tiếng dân tộc thiểu số bằng ngân sách nhà nước từ năm 2020 nhưng hiện nay vẫn chưa có bộ sách này. Đối với nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chậm trễ trong cả hai khâu là ban hành Chương trình môn học và biên soạn SGK.

Từ sự chậm trễ trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, Chính phủ cần đánh giá bổ sung hạn chế việc biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt và tiếng một số dân tộc ít người đối với một số môn học ở cấp tiểu học và việc biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới, đáp ứng cho vùng miền núi, hải đảo, vùng dân tộc rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật. Đây cũng là nội dung được đề cập theo Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện nay chưa được ban hành.

Nên soạn sách dạy tiếng dân tộc thiểu số hơn là thêm một bộ sách giáo khoa - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Mặt khác, cần phân tích, đánh giá bổ sung về chế độ, chính sách đối với giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số hiện còn nhiều vấn đề bất cập khi thiếu hụt nguồn nhân lực, ít có giáo viên đạt chuẩn, chưa có trong biên chế, vị trí việc làm, thậm chí có giáo viên được phân công dạy học sinh dân tộc nhưng không phải là người dân tộc đó nên có khó khăn trong việc hiểu và hướng dẫn cho các em, nhất là khối tiểu học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm