Yên Bái: Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại

An Khê
27/10/2023 - 22:08
Yên Bái: Nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại

Hội LHPN tỉnh Yên Bái hướng dẫn các học viên thảo luận nhóm tại lớp tập huấn xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cho đội ngũ cán bộ huyện, xã

Thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm, sinh lý cho nạn nhân, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhằm nâng cao nhận thức về giới, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã thành lập, duy trì hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng và thành lập mới nhiều địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Nạn nhân chủ yếu là trẻ em DTTS

Theo số liệu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, trong 9 tháng đầu năm 2023 có 13 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 11 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại  - Ảnh 1.

Bà Trần Thanh Huyền - chuyên viên Hội LHPN tỉnh Yên Bái. Ảnh: Kiều Trang

Bà Trần Thanh Huyền - chuyên viên Hội LHPN tỉnh Yên Bái - cho biết, thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tình trạng này đang có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn cả về tính chất và mức độ. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau nhưng phần lớn trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn hạn chế; một số trường hợp mối quan hệ yêu đương với nạn nhân.

"Nạn nhân thường là trẻ dưới 16 tuổi, chủ yếu là trẻ em gái do cha mẹ chưa có kỹ năng trong giáo dục con cái, trẻ sống cùng ông bà, cùng cha dượng, một số vụ việc trẻ em bị xâm hại sống trong gia đình không hoàn thiện, thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình", bà Trần Thanh Huyền nói.

Yên Bái: Hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại  - Ảnh 2.

Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh hướng dẫn thành lập và vận hành mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Có thể thấy, vụ việc xâm hại tình dục sẽ làm tổn thương tới trẻ và thậm chí cả gia đình của trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra và có thể tiếp tục gây tổn thương trong suốt quãng đời còn lại của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ không thể kể về vụ việc xâm hại này hoặc không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hay trị liệu từ những người có chuyên môn, gia đình và xã hội.

Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương như gãy chân, tay, gãy răng, có thai ngoài ý muốn, bệnh giang mai và những bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn khác… Nếu không được hỗ trợ, chữa trị kịp thời có thể gây nên những vấn đề trong tương lai như vô sinh, ung thư và tử vong do nhiễm trùng nặng. Thậm chí trẻ có nguy cơ bị tử vong do phản kháng lại hành vi xâm hại.

Về mặt tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục thường sẽ cảm thấy sợ hãi, xấu xa, thất bại, cộc tính. Điều đáng lo ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý mà đôi khi những vấn đề rối nhiễu sau sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm mới bộc lộ ra bên ngoài. Vì thế mà cha mẹ và người chăm sóc trẻ thường khó phát hiện ra những bất thường của con em mình…

Yên Bái: Hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số bị xâm hại  - Ảnh 3.

Tổ truyền thông cộng đồng xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cho hội viên phụ nữ địa phương

Về giáo dục, trẻ thường khó khăn hơn khi tiếp thu kiến thức học tập do các tổn thương tâm lý và thể chất gây ra. Việc này dẫn đến kết quả học tập sa sút gây khó khăn trong quá trình hòa nhập lại môi trường học tập.

Nỗ lực hỗ trợ trẻ em yếu thế

Với chức năng, nhiệm vụ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em đặc biệt những phụ nữ, trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, là nạn nhân của xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, mua bán người.

Hội đã thành lập, duy trì hoạt động 238 tổ truyền thông cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới 14 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Thành lập, vận hành 1 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong các trường học và cộng đồng.

Theo thống kê của Tổng đài quốc gia 111, trong 9 tháng đầu năm có 238.500 cuộc gọi đến (trong đó trong năm 2021 là 507.861 cuộc, năm 2022 là 368.346 cuộc). Trong đó, 92 ca gọi đến có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp xâm hại tình dục.
Đáng lưu ý, chỉ trong 9 tháng đầu năm đã có 83 trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục (năm 2021 là 194 trường hợp, năm 2022 là 163 trường hợp).

Hội cũng đã tổ chức 81 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới tại cộng đồng thu hút 5.851 lượt người tham dự. Tổ chức 4 cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, mô hình, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, và mua bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán trở về tham gia vào các tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản, hỗ trợ sinh kế để kinh doanh, học nghề, tiếp cận việc làm để cải thiện cuộc sống.

Từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN tỉnh Yên Bái chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam triển khai các dự án nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới, mua bán người, xâm hại tình dục; đã có trên 560 trường hợp được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ từ các hoạt động của dự án như vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, pháp lý, kiến thức kỹ năng bảo vệ cho trẻ…

Tuy nhiên, theo bà Trần Thanh Huyền, các công tác bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như một số trẻ bị xâm hại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, là người DTTS không nói rõ tiếng phổ thông nên việc tiếp cận, thu thập thông tin chưa kịp thời, đầy đủ chính xác, cần phải có người phiên dịch.

Sự phát triển của công nghệ số nên trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết bạn, nhắn tin trong đó có cả các nhóm kín, đôi khi trẻ chưa biết được hết hậu quả của việc bị lợi dụng hình ảnh vào những việc xấu. Người thân trong gia đình chưa có đủ kỹ năng, phương pháp để chăm sóc, giáo dục con cái.

Bởi vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, cộng đồng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm và tự phòng ngừa các hành động xâm hại trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm