Biết con trai quen Ngân, một cô gái nhà nghèo lại chưa có công ăn việc làm ổn định, bà Lan có đôi chút thất vọng. Nhưng rồi bà lại nghĩ: “Thôi thì mình cứ phải đầu tư một tí, sau này về sống cùng con dâu hơi lép vế thì nó mới chịu sự sắp đặt của mình”. Thế là bà đồng ý cho Quang cưới Ngân.
Lúc đầu, cuộc sống mẹ chồng- nàng dâu nhà bà Lan cũng êm đẹp lắm. Cái gì bà Lan cũng nắm giữ và quyết hết, cô con dâu răm rắp nghe theo. Ấy thế nhưng đến khi Ngân sinh con thì mọi chuyện lại khác.
Đầu tiên, cái Ngân muốn cho con ăn sữa công thức, bà Lan giãy nảy không nghe. Bà cứ khăng khăng: “Bằng mọi giá con phải kích đủ sữa cho con bé bú. Đối với trẻ con, không có cái gì tốt bằng sữa mẹ. Đợi con bé lớn, cứng cáp thêm tí rồi mẹ sẽ nấu bột cho nó ăn thêm”. Rồi bà răn dạy con dâu: “Đấy con xem, ngày xưa khó khăn, làm gì có giọt sữa bò, sữa bê nào mà mẹ vẫn nuôi được chồng con lớn lên cao to, đẹp trai ngời ngời như thế!”. Ngân nghe mẹ chồng nói thì im bặt.
Con bé con lớn dần, ăn khỏe, nó đái nhiều ướt sũng cả giường đệm, chiếu chăn. Ngân lại đề nghị với mẹ chồng cho cháu dùng bỉm. Không cần nghĩ ngợi, bà Lan gạt phắt: “Dùng chi bỉm cho cháu tao lớn lên đi hai hàng à? Con gái đi hai hàng thì xấu chết. Với lại dùng bỉm mất vệ sinh lắm, rồi viêm nhiễm thì khổ ra”. Ngân mỏi miệng giải thích với bà nào là dùng bỉm rất vệ sinh, nếu chọn bỉm đúng kích cỡ, đúng size theo độ tuổi thì sẽ không ảnh hưởng, khiến trẻ đi hai hàng; nào là nếu dùng bỉm xịn, tốt thì sẽ không bị viêm nhiễm... Nhưng bà Lan chỉ chẹp miệng phán: “Một cái bỉm cả chục nghìn, bằng ngần tiền ấy mua cho con được cái quần mới ấy chứ”. Ngân nghẹn họng.
Dưới sự quản lý của mẹ chồng, Ngân muốn mua cho con cái gì cũng không được. Một phần vì tiền của vợ chồng cô, bà Lan nắm hết, cô chẳng có mà chi. Một phần khác, Ngân cũng ngại mẹ chồng vì nếu cô tự ý mua gì về là lập tức sẽ bị bà tra khảo: “Ở đâu ra? Mua làm gì? Mua bao tiền?” y như là cô đã vụng trộm cắt xén, ăn bớt tiền của bà ra tiêu xài phung phí vậy.
Anh Hòa - chồng Ngân - đã quen cách sống của mẹ nên cảm thấy bình thường. Hơn nữa, anh đi làm suốt ngày, về tới nhà mệt mỏi nên Ngân chẳng dám ca thán. Mãi cho tới lúc người tới thăm, ai cũng bảo: “Hình như cái Ngân bị sản mòn, chứ đàn bà vừa mới sinh con sao trông lại gầy rộc, héo hon thế?”. Rồi vì việc bà Lan bắt con dâu ăn kiêng 3 tháng mà Ngân bị táo bón, đau đớn kêu trời. Lúc ấy, cô mới buột miệng nói với chồng: “Em sắp không chịu được nữa rồi anh ạ. Anh xin mẹ, chúng mình ra ăn riêng đi anh!”
Ban đầu, Hòa sợ mất lòng mẹ cũng gạt phắt những lời Ngân nói đi, nhưng sau càng ngày càng thấy vợ xuống dốc, lại đọc được những tin nhắn cô tâm sự với bạn bè, rồi nghĩ đến mấy vụ tự tử vì trầm cảm sau sinh, Hòa đâm sợ. Anh dè dặt đề nghị với mẹ xin ra ở riêng. Vừa nghe con trai nói, bà Lan đã mắng té tát: “Á à, giờ này mày cậy có vợ, có con nên không cần bà già này nữa chứ gì? Đã vậy thì cút xéo hết...”. Bà Lan chửi kịch liệt, khiến cho Ngân nghe thấy cũng hoảng hồn.
Sau cô nghĩ, chuyện đã thế này mình bùng luôn. Cô nói: “Mẹ ạ, chúng con lớn rồi, đã thành một gia đình, mẹ cứ để cho chúng con tự lập, sau này còn lo cho các cháu. Chứ mẹ cứ vất vả lo cho các con mãi, sau này không có mẹ, chúng con lại chẳng lo được thì sao?”.
Ngân kể với Thanh Tâm: “Lúc ấy, suýt chút nữa thì mẹ em lao vào dứt hết tóc em. Bà bảo đã nhìn nhầm, chọn nhầm con dâu rồi quy cho em trù ẻo bà mau chết”. Mấy hôm nay, bà Lan giận không thèm nhìn mặt Ngân, con trai con dâu ra vào chào hỏi bà cũng không buồn đáp.
Tiếp tục sống cùng với mẹ chồng là chuyện Ngân không muốn nhượng bộ và cũng không cố được. Cô bảo: “Em thực sự muốn ra riêng, chờ một thời gian tinh thần của cả đôi bên chuyển biến tốt lên, may ra mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu mới được cải thiện”. Điều Lan muốn là lúc này nếu vợ chồng cô làm công tác tư tưởng tốt cho mẹ chồng thì sẽ hóa giải được mọi chuyện. Với gia đình một mẹ một con trai thế này, việc sống chung hay tách ra không quan trọng bằng việc mọi người nói với nhau mọi nhu cầu, mong muốn và cùng thỏa thuận.