Không đăng tải lịch trình bệnh nhân Covid-19: Chuyên gia nói gì?

Linh Trần
25/05/2021 - 17:42
Không đăng tải lịch trình bệnh nhân Covid-19: Chuyên gia nói gì?

Báo chí sẽ không được đăng lịch trình của bệnh nhân Covid-19

"Việc các Bộ yêu cầu báo chí không đưa tin lịch trình của các bệnh nhân Covid-19 nhằm đảm bảo sự riêng tư của bệnh nhân. Đồng thời, đảm bảo về vấn đề nhân quyền theo yêu cầu của Quốc tế", PGS. Trần Đắc Phu nói.

Công khai danh tính và lịch trình của bệnh nhân Covid-19 bộc lộ nhiều bất cập

Ngày 24/5, Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển về quá trình tiếp xúc bệnh nhân Covid-19, mà chỉ công bố và khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ.

Theo Bộ TTTT, thời gian qua công tác thông tin báo chí đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng, tránh lây lan dịch covid-19.

Tuy vậy, một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng chống dịch. Trong đó, có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.

Những thông tin này được các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) ở các địa phương công bố (phần nhiều dựa trên nội dung khai báo của người bệnh). Sau đó, được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn thêm, khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tấn, kỳ thị, xâm phạm đời tư ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Do đó, Bộ TTTT đề nghị Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo ngành Y tế và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các địa phương thay đổi những cách làm không còn phù hợp, trong đó có công tác truyền thông về dịch bệnh. Theo đó, ngành y tế không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân mà chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với Covid-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo huớng dẫn của ngành y tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, các sở y tế, không công bố danh tính, chi tiết lịch trình, quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19, chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ dịch tễ (nơi từng có người mắc Covid-19 đến) để những người liên quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, Luật khám chữa bệnh hiện hành đã quy định không tiết lộ bất kỳ hình thức nào về thông tin cá nhân của bệnh nhân như danh tính, địa chỉ.

Sau khi 2 văn bản trên được ban hành, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc không công bố lịch trình bệnh nhân Covid-19 sẽ gây khó khăn cho những người đã từng đến địa điểm dịch tễ. Bởi họ cũng không biết mình đã từng đến những địa điểm nào, khung giờ nào để khai báo y tế.

Không đăng tải lịch trình bệnh nhân Covid-19: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Bệnh nhân phải khai báo nhưng không được công khai trên truyền thông

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc các Bộ yêu cầu báo chí không đưa tin lịch trình của các bệnh nhân Covid-19 nhằm đảm bảo sự riêng tư của bệnh nhân.

Theo ông Phu, ở nước ngoài, việc đi lại, làm gì, với ai là thông tin về bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Việt Nam trước đây cũng đã từng đề nghị báo chí không đăng tải lịch trình di chuyển của bệnh nhân bởi phản ứng của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các địa phương vẫn cung cấp thông tin cho báo chí và lịch trình của bệnh nhân vẫn được đăng tải.

Ông Phu cho biết, bệnh nhân khi được xác định nhiễm Covid-19 thì phải khai báo với cơ quan chức năng để phòng chống dịch. Thế nhưng, các cơ quan chức năng không được công khai trên các phương tiện truyền thông lịch trình của bệnh nhân.

Về câu hỏi, việc không thông tin lịch trình bệnh nhân có ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch hay không, ông Phu cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người dân nên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. "Hiện Việt Nam đang làm mã QR do một công ty về công nghệ thực hiện. Theo đó, mỗi người có một mã QR, các nhà hàng, quán ăn, điểm công cộng cũng có mã QR. Đến đâu, người dân chỉ cần đưa mã QR của mình vào thì sẽ được check in ở đó. Khi xảy ra vấn đề liên quan, cơ quan chức năng sẽ truy xuất thông tin để cảnh báo", ông Phu chia sẻ.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm