pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không làm được giấy khai sinh cho con vì mẹ chưa ly hôn chồng nước ngoài

Hình minh họa
Ham vui quên con?
Nguyễn Thị T.L, sinh năm 1991, hiện sinh sống tại TPHCM. Hơn chục năm trước, cô theo người bạn gái qua Malaysia kiếm việc làm. Tại đây, cô gặp và yêu người đàn ông sống tại tỉnh Baru, Malaysia. Họ làm đám cưới và đăng ký kết hôn tại Malaysia vào năm 2011. Năm 2012 và 2015, T.L sinh lần lượt hai con gái.
Chồng T.L hàng ngày tới xưởng sửa chữa xe hơi, còn cô đi làm công việc thời vụ. Theo T.L, cuộc sống không dư dả nên cô cảm thấy bí bách, không tìm được hạnh phúc với chồng. Tuy nhiên hai người vẫn sống cùng nhau.
Năm 2017, T.L nói với chồng về Việt Nam thăm mẹ. Cô để 2 con gái ở lại Malaysia cùng cha của hai đứa trẻ. Chồng con cô, và (có lẽ) cả T.L cũng chưa nghĩ tới cảnh là cô một đi không hẹn ngày trở lại.
"Thời gian đầu, tôi và chồng, con vẫn nói chuyện hàng ngày qua zalo. Khi chồng nhắc chỉ còn ít ngày nữa tôi cần phải quay lại Malaysia vì visa sắp hết hạn rồi thì tôi nói không muốn quay lại Malaysia nữa. Trước đó, chồng muốn tôi nhập tịch theo anh ấy nhưng tôi cũng từ chối", T.L kể chuyện.
Giải thích về sự "bướng" của mình, T.L nói cuộc sống gia đình không dư dả như cô mong đợi nên nản, "chỉ muốn về Việt Nam". Thời gian sau, khi không thể thuyết phục được vợ quay lại Malaysia, người chồng bực bội cắt đứt liên lạc.
T.L cũng thay điện thoại mới, nên "không còn hình ảnh gì của các con, cũng không còn số điện thoại nào của người quen bên đó". Cô chấp nhận việc không gặp lại chồng và các con gái nữa.
Về Việt Nam, T.L "ham vui nên cũng quên luôn". Rồi cô gặp anh Nguyễn T.D., sinh năm 1973, đã ly dị vợ. Hai người quen và sống chung như vợ chồng. Họ có con trai vào năm 2020, sau 3 năm T.L về quê nhà.
Chưa ly hôn với chồng cũ thì khó có thể làm giấy khai sinh
Sinh con trai, T.L lên UBND Phường 10 (hiện đã sát nhập thành Phường 9), Quận 3, TPHCM, để làm Giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, khi cán bộ Tư pháp - hộ tịch phường kiểm tra thông tin, phát hiện T.L vẫn đang trong thời gian hôn nhân với người chồng tại Malaysia nên không thể làm Giấy khai sinh cho bé trai này được.
Cán bộ phường hướng dẫn T.L lên UBND Quận 3 xin hỗ trợ. Lên UBND Quận 3, người mẹ này được hướng dẫn quay trở lại phường để làm thủ tục. Quay đi quay lại nhiều thời gian nhưng sự việc chưa tìm được hướng ra.
Năm nay, bé trai đã chuẩn bị đến tuổi đi học nên T.L và anh T.D lại tất bật hỏi thủ tục đăng ký khai sinh cho con, kịp cho cháu tới trường. Tính đến tháng 2/2025, UBND Phường 9, Quận 3, đã có Biên bản làm việc để hướng dẫn làm khai sinh cho trẻ.

Chị T.L đang liên hệ nhiều cơ quan chức năng hỗ trợ việc làm Giấy khai sinh cho con
Biên bản này cho biết: "Phường căn cứ theo các quy định để tạo điều kiện thực hiện khai sinh cho trẻ. Hướng xử lý là bà T.L liên hệ với Tòa án Nhân dân TPHCM để có quyết định chứng minh cha con. Khi có quyết định của toà án thì UBND Phường 9 sẽ tiếp tục thực hiện Giấy khai sinh cho trẻ".
Khi có biên bản hướng dẫn này của UBND Phường 9, Chủ tịch Hội LHPN phường thời điểm đó là chị Nguyễn Tống Ý Nhi đã hỗ trợ T.L bằng cách liên hệ tới một thẩm phán của Tòa án Nhân dân Quận 3 nhờ tư vấn. Thẩm phán đã trả lời rằng vụ việc này không thuộc thẩm quyền của toà án quận.
Chị Ý Nhi sau đó đã trực tiếp cùng T.L tới Tòa án Nhân dân TPHCM. Cơ quan này cho rằng, để thụ lý vụ việc thì cần phải có đầy đủ giấy tờ, trong đó quan trọng nhất là Bản đăng ký kết hôn của T.L và người chồng Malaysia. Tuy nhiên, T.L cho biết, giấy này đã để ở bên Malaysia, không mang theo về Việt Nam nên không thể có.
Tòa án Nhân dân TPHCM cũng đã hướng dẫn thêm rằng, T.L cần đề nghị làm thủ tục ly hôn với người chồng tại Malaysia. Khi nào có quyết định ly hôn thì sẽ làm được Giấy khai sinh cho bé trai, con chung của T.L và anh Nguyễn T.D.
Làm khai sinh cho con thế nào?
Để hiểu rõ thêm các tình tiết sự việc, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã gặp trực tiếp cả T.L và anh Nguyễn T.D. Giải thích lý do không gặp các con gái, T.L nói rằng vì không muốn quay lại Malaysia sống nữa, thấy chán. Khi được hỏi về việc người chồng Malaysia có bạo hành, gây khó khăn gì với vợ, con không, T.L trả lời không có chuyện đó.
"Ngày tôi nói về thăm mẹ, chồng tôi vẫn chở tôi ra sân bay, sau đó vẫn điện thoại với tôi nói chuyện bình thường". Hỏi T.L đi về Việt Nam như vậy có nhớ các con gái không, T.L trả lời, vì cô "ham vui, chơi vui quá lố" nên không muốn quay về sống cuộc sống buồn tẻ ở Malaysia như trước.
"Khi tôi quen người mới và có con với anh ấy, tôi lại càng không muốn về lại Malaysia vì mặc cảm. Tôi cũng không biết làm sao để liên lạc với chồng, vì tôi không còn số điện thoại của những người thân quen ở Malaysia do đã đổi điện thoại rồi.
Chồng tôi không liên lạc, cũng không bay tới Việt Nam để kiếm tôi, nên tôi thấy vậy cũng bỏ luôn. Sau đó, tôi có con trai, bận bịu và thương con trai nên không nhớ các con gái bên đó nữa. Ba tụi nhỏ có khả năng nuôi được chúng nên tôi cũng yên tâm", T.L kể.
T.L giờ chỉ quan tâm tới việc làm sao hoàn tất được Giấy khai sinh cho con trai. Cô cũng không giải thích thoả đáng về việc "bỏ" luôn 2 con gái cho chồng nuôi, từ khi các con mới lần lượt được 5 tuổi và 2 tuổi và tới giờ cũng không trở lại Malaysia lần nào thăm các con.
Chúng tôi đã hướng dẫn T.L liên hệ với luật sư để được hỗ trợ soạn thảo các đơn thư gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tìm hiểu về tình trạng hôn nhân hiện tại của chồng (có thể anh này đã đơn phương ly hôn khi T.L tự ý về Việt Nam đã quá lâu và không còn liên lạc với chồng con).
Trong trường hợp người chồng này chưa làm các thủ tục ly hôn, thì T.L sẽ chủ động thực hiện. Sau khi có các giấy tờ thể hiện việc ly hôn hoàn tất, các cơ quan liên quan tại Việt Nam sẽ thực hiện làm Giấy khai sinh cho con trai của T.L với tên của người cha là anh Nguyễn T.D.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, cho biết, với trường hợp của chị T.L, do có yếu tố nước ngoài và đã ghi chú việc kết hôn tại Việt Nam, việc giải quyết vấn đề làm giấy khai sinh cho con cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Trước hết, việc chị T.L và chồng trước đã đăng ký kết hôn tại Malaysia và ghi chú hôn nhân tại Việt Nam có nghĩa rằng hôn nhân giữa hai người được pháp luật Việt Nam công nhận. Điều này dẫn đến hệ quả pháp lý theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, rằng con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được mặc định là con chung của vợ chồng, trừ khi có quyết định khác của Tòa án.
Trong trường hợp này, dù chị T.L không còn chung sống với chồng trước và hiện chung sống với anh T.D, pháp luật vẫn coi đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ này là con của người chồng Malaysia, trừ khi chị T.L chứng minh được điều ngược lại.
Hiện tại, UBND phường từ chối đăng ký khai sinh cho trẻ vì lý do chưa rõ ràng về tình trạng hôn nhân và mối quan hệ cha con. Đây là khó khăn thường gặp khi có yếu tố nước ngoài và khi tình trạng hôn nhân chưa được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ quyền được khai sinh của mọi trẻ em, không phân biệt hoàn cảnh của cha mẹ. Theo Điều 13 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về UBND cấp xã nơi người mẹ cư trú và trường hợp có yếu tố nước ngoài cũng có thể được xử lý tại UBND cấp huyện.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên, chị T.L cần làm thủ tục ly hôn với chồng trước. Việc này được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền ở Việt Nam. Theo Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đây là trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Nếu chồng trước không hợp tác, Tòa án vẫn có thể giải quyết ly hôn vắng mặt theo quy định pháp luật.
Trong quá trình Toà giải quyết việc ly hôn này, chị T.L có thể đề nghị Tòa án xác định rằng đứa trẻ không phải là con của chồng trước, dựa trên các chứng cứ như kết quả xét nghiệm ADN hoặc các bằng chứng khác.
Hoặc trường hợp chị T.L chưa muốn ly hôn nhưng để làm rõ quan hệ cha con và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho trẻ, chị T.L cần thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án xác định rằng đứa trẻ không phải là con chung với chồng trước.
Căn cứ pháp lý là khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, theo đó, khi có căn cứ cho rằng con không phải là con chung của vợ chồng, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án xác định điều này.
Sau khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố đứa trẻ không phải là con chồng trước, chị T.L có thể cùng anh T.D tiến hành thủ tục nhận cha con tại UBND cấp huyện theo Điều 25 Luật Hộ tịch 2014.
Hồ sơ bao gồm tờ khai đăng ký nhận cha con, các giấy tờ tùy thân liên quan và chứng cứ chứng minh quan hệ huyết thống, thường là kết quả xét nghiệm ADN. Khi hoàn tất thủ tục này, chị T.L sẽ có căn cứ để đăng ký khai sinh cho trẻ, với thông tin đầy đủ về cả cha và mẹ theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con của người chồng, việc xác lập quan hệ cha con với người cha thực tế, ở đây là anh T.D, chỉ có thể thực hiện hợp pháp sau khi Tòa án đã có quyết định xác định đứa trẻ không phải là con của người chồng hợp pháp.
Đây là một trình tự pháp lý bắt buộc nhằm bảo đảm tính minh bạch và quyền nhân thân của các bên liên quan, đặc biệt là của trẻ em.