Không ngại 'nhảy việc' để tìm kiếm những cơ hội mới tốt hơn

21/05/2018 - 19:10
Nếu như trước đây, thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta thường có suy nghĩ làm một công việc ổn định tới khi về hưu thì ngày nay, nhiều bạn trẻ lại coi “nhảy việc” là tìm kiếm những cơ hội mới tốt hơn. Thực tế, nhiều bạn đã trưởng thành sau mỗi lần “nhảy việc” như thế.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Bích Ngọc, SN 1987, đến từ Phú Thọ, đã xin vào làm tại một cơ quan lớn. Công việc tuy không quá vất vả nhưng ổn định, hằng tháng đều đặn được nhận lương và các khoản phụ cấp khác tùy theo hiệu suất công việc. Trong con mắt của bố mẹ Ngọc, công việc của con như vậy là quá tốt.
 
Vì thế, bố mẹ luôn dặn Ngọc đi làm phải biết nhún nhường, chăm chỉ, đợi vài năm nữa lấy chồng, sinh con là xong.
 
Nhưng sau vài năm, Ngọc nhận thấy môi trường làm việc ở cơ quan chưa được như cô mong muốn. Cô thích sự tự do, phóng khoáng, được tự do bày tỏ chính kiến thay vì cứ phải giữ im lặng vì sợ làm đồng nghiệp mếch lòng.
 
Cuối cùng, Ngọc quyết định viết đơn thôi việc, dù lúc đó cô cũng chưa biết chắc sau đây mình sẽ làm ở đâu. “Khi thôi việc, mình hoàn toàn giấu bố mẹ. Bản thân mình cũng lo không biết có tìm được việc mới không? Rồi môi trường công sở ở nơi đó ra sao? Thu nhập thế nào? Sau đó mình tự nhủ, nếu cứ sợ hãi như vậy thì chả bao giờ đi về phía trước được”.
ngoc.jpg
Lê Bích Ngọc
 
 
Một mình ở lại thành phố, Ngọc đã tự cho mình 2 tháng để tự refresh lại bản thân và suy ngẫm về những gì mình thực sự cần. Hai tháng sau, Ngọc nộp hồ sơ xin việc vào một cơ quan khác mà Ngọc cho là phù hợp hơn.
 
Cũng như Ngọc, cô gái 8x Lê Khánh Chi, quê Nam Định từng trải qua một giai đoạn khủng hoảng tâm lý vì môi trường làm việc không tốt. Không biết vì lý do gì mà cô không được giám đốc quý mến, thể hiện qua việc ghi nhận những nỗ lực trong công việc của cô. “Hằng tháng, mỗi lần tới kỳ họp giao ban là mình thao thức cả đêm hôm trước vì ngán ngẩm. Bởi, mình sẽ là đối tượng bị giám đốc đem ra phán xét, chỉ trích trước toàn thể nhân viên.
 
Mình biết, nhân viên làm sai thì phải bị phê bình nhưng cách mà sếp nói không nhằm để mình khắc phục mà chỉ thấy mình bị tổn thương”. Hơn 1 năm làm việc cho công ty, Chi bị sụt gần 5kg và thường xuyên bị mất ngủ, đầu óc căng thẳng. Tuy nhiên, mỗi lần Chi hỏi ý kiến gia đình thì cả nhà cô phản đối việc Chi muốn “nhảy việc”.
 
“Bố mẹ mình nói bây giờ người khôn của khó, thôi việc thì dễ chứ tìm việc mới khó. Chỉ cần mình ra khỏi chỗ đó rồi là bước chân đi cấm kỳ trở lại”, Chi nhớ lại. “Mẹ thì nói mình đi làm mà không biết “tốt nhịn” bởi ở đâu mà chẳng phức tạp như thế. Mình chỉ cần mắt không nghe, tai không thấy là được, cốt là không rơi vào cảnh thất nghiệp”.
 
Bố mẹ Chi còn phân tích Chi đã ở tuổi ngoài 30, rất khó cạnh tranh với thế hệ trẻ khi đi xin việc. Rồi thì nhà người yêu của mình sẽ nghĩ sao khi cô con dâu tương lai cứ nay “nhảy việc”, mai “nhảy việc”.
 
Có bước đi thì mới thấy thế giới rộng lớn
Lời của bố mẹ khiến Chi cứ chần chừ không dám bỏ việc vì lúc nào cũng sợ phải bước ra khỏi vòng an toàn của mình. Cho đến một ngày, Chi gặp người bạn cùng lớp đang là chủ một công ty tư nhân về in ấn. Nghe Chi tâm sự, người bạn cười nói rằng Chi bị như vậy là do chính bản thân cô quá nhút nhát, không dám bước tới. “Cậu cứ nghỉ việc và thử bước sang một môi trường mới mà xem.
 
Cũng có thể nơi đó không tốt bằng nơi cũ, nhưng cũng có thể tốt hơn thì sao. Nhưng có một điều chắc chắn, dù có thế nào thì cậu cũng sẽ thấy mình trưởng thành hơn, cứng cáp hơn”, người bạn khuyên.
 
Bích Ngọc thì kể, sau lần đầu “nhảy việc” cô thấy rất sợ hãi. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được, cô thấy mọi thứ rất bình thường. Bây giờ, nếu cần Ngọc sẵn sàng nhảy việc lần nữa và có thể dễ dàng thích nghi với môi trường mới. Tuy nhiên, Ngọc chưa nghĩ tới điều đó, cô đã tìm được một môi trường làm việc tốt hơn nơi cũ, thu nhập cũng được cải thiện.
 
Điều Ngọc rút ra là có bước đi thì bạn trẻ mới thấy thế giới này rộng lớn hơn so với những gì bạn nghĩ. Và, các mối quan hệ, danh sách bạn bè, đối tác, đồng nghiệp... của bạn từ đây cũng sẽ được nối dài thêm.
 
Còn Khánh Chi giờ cũng đã không còn phải khóc lóc vật vã như ở công ty cũ. Mặc dù thu nhập của cô ở một công ty tư nhân chưa thật cao, nhưng điều quan trọng là cô đã được làm điều mình thích và hạnh phúc vào mỗi sớm mai khi bước chân đi làm.
 
Tất nhiên, “nhảy việc” không phải là đáp án đúng với mọi hoàn cảnh. Nhưng tư duy dám nhảy việc cũng chỉ là một trong rất nhiều điều cho thấy bạn trẻ hãy dám nghĩ, dám làm và đừng ngại thay đổi. Đừng cho rằng, tuổi trẻ mỗi người chỉ có một. Và tốt nhất là cứ cho bản thân cơ hội trải nghiệm còn hơn là ngồi một chỗ mà đoán xem ngoài kia có gì.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm