pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không sinh con thứ 3 để ổn định cuộc sống, thoát nghèo
Thôn Đăk No hôm nay
U60 và những ký ức buồn
Cuối năm 1982, bà Triệu Thị Nọi (69 tuổi, dân tộc Nùng) rời xã Xuân Giang (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) vào Kon Tum lập nghiệp. Ngày đó, mới 31 tuổi nhưng vợ chồng bà Nọi đã có 7 con, gồm 5 trai, 2 gái. Đông con, ruộng lại ít, không đủ trồng cây lúa, củ khoai để bảo đảm cuộc sống gia đình, vợ chồng bà đã quyết định tìm nơi "an cư" mới. "Ngày ấy, cũng vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vợ chồng tôi quyết định rời quê hương vào đây sinh sống. Ngày mới vào đây, gia đình cực khổ vô cùng. Giữa rừng bạt ngàn le, tài sản duy nhất của gia đình chỉ là chiếc lều tranh và chiếc giường nan cũ. Đường sá đi lại chỉ là những lối mòn, mỗi lần cần tiền mua thuốc lúc ốm đau, gia đình phải cõng từng bao lúa ra huyện bán lấy tiền chữa bệnh. Vào đây một thời gian, cuộc sống ổn định hơn", bà Nọi chia sẻ.
Cũng giống như vợ chồng bà Nọi, vợ chồng ông Trần Văn Coóng (67 tuổi, dân tộc Nùng) phải rời huyện Văn Quan (Lạng Sơn) vào Kon Tum lập nghiệp. Đất chật, đông con, vợ chồng ông quyết định chọn thôn Đăk No làm nơi sinh sống của gia đình. Ngày mới vào Đăk No, ông Coóng là người đông con thứ nhì trong thôn, mới 29 tuổi đã có 5 đứa con. Rời Lạng Sơn đến Kon Tum, thấy cuộc sống có phần thuận lợi, vợ chồng ông quyết định sinh thêm 3 đứa nữa.
Gia đình bà Nọi, ông Coóng là 2 trong số gần 20 hộ gia đình rời huyện Văn Quan vào Kon Tum lập nghiệp những năm thập niên 80 thế kỷ trước. Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Đăk No Hoàng Văn Ngoan (54 tuổi, dân tộc Nùng) chia sẻ, trong số những hộ dân vào đây sinh sống từ năm 1982 đến năm 1987, gia đình nào cũng đông con; hộ ít nhất cũng có từ 3 đến 5 đứa. Một số gia đình từ 5 đến 7, thậm chí 8 đứa con.
Không sinh nhiều con để có điều kiện nuôi dạy con tốt
Không như những người thế hệ trước, lứa tuổi 7X, 8X và 9X ở thôn Đăk No giờ đây sinh đẻ có kế hoạch, đúng chính sách dân số để bảo đảm cuộc sống đầy đủ cho con cái mình. Tìm đến những gia đình thế hệ 7X, 8X ở Đăk No, chúng tôi nhận thấy họ chỉ sinh đẻ từ 1 đến 2 con. Trong đó, vợ chồng Hoàng Văn Diễn và Nông Thị Co là một ví dụ.
Năm 2004, Diễn và Co xây dựng gia đình thì năm 2005 con trai Hoàng Xuân Anh cất tiếng khóc chào đời. Bước sang năm 2006, đứa con gái Hoàng Thị Biên được sinh ra. Sau khi có hai con, vợ chồng Diễn và Co quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình và không sinh đẻ tiếp để đầu tư thời gian, công sức cho phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, hai vợ chồng đã đầu tư vốn để mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Sau gần chục năm hành nghề, vợ chồng họ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được đầy đủ vật dụng phục vụ cho cuộc sống như xe máy, ti vi; con cái được đi học đúng độ tuổi; cuộc sống thuộc diện khá giả trong làng, mặc dù gia đình chỉ có 3 sào ruộng nước.
Rời gia đình chị Co, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Trần Văn Sơn (32 tuổi) và chị Hoàng Thị Xuôi (36 tuổi). Trong ngôi nhà cấp 4 được xây dựng khang trang, chị Xuôi chia sẻ, hai vợ chồng cưới nhau đã được 10 năm. Năm 2011, con gái đầu lòng Trần Thị Thắm chào đời. Bốn năm sau, vợ chồng sinh đứa con trai thứ hai là Trần Hùng Phúc. Sau khi sinh đủ hai con, vợ chồng chị Xuôi quyết định không sinh nữa để ổn định cuộc sống. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, 8 sào đất trồng cà phê; nếu sinh đẻ thêm, họ sẽ không có điều kiện để đảm bảo cho cuộc sống của con sau này.
Chị Hoàng Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đăk No, cho biết: Toàn thôn hiện có 40 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Qua tuyên truyền, vận động, chị em đều cam kết không sinh con thứ ba. Hiện tại, phụ nữ Đăk No đang thực hiện mô hình "Không sinh con thứ ba" với 27 thành viên tham gia. Từ khi thành lập (năm 2013) đến nay, mô hình này hoạt động hiệu quả, không có ai vi phạm. Không chỉ thành viên tham gia mô hình, tất cả phụ nữ trong thôn không có ai sinh con thứ ba.
Trưởng thôn Hoàng Văn Ngoan chia sẻ: Đăk No có 62 hộ dân, với gần 230 nhân khẩu. Do sinh đẻ có kế hoạch, dành thời gian và công sức cho lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nên tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn là 18,5% thì nay đã giảm xuống còn 4,83%. Cuộc sống của người dân được cải thiện. Việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương cũng thuận lợi và đạt kết quả tốt.
Ông Huỳnh Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ, cho biết, trong những năm qua, việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành việc kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba được thực hiện tốt tại thôn Đăk No. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, thôn không có trường hợp sinh con thứ ba. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn giảm đáng kể. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2020, thôn Đăk No không còn gia đình thuộc diện hộ nghèo.