Không “trói” con vào mong muốn của mình

Kiều Trang
18/07/2022 - 11:49
Không “trói” con vào mong muốn của mình

Chị Hoàng Thị Xuân

Từng đặt mục tiêu con sẽ đỗ cao, học ngành mà mình "định hướng", chị Hoàng Thị Xuân nhận ra bản thân đã tự "trói mình" vào những áp lực vô hình.

Chị Xuân có 2 con, con đầu 19 tuổi và con út 15 tuổi. Năm nay là năm bản lề của cả hai con với bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời mình, đó là thi đại học và thi vào lớp 10. "Tôi từng đặt mục tiêu các con sẽ đỗ vào trường tôi mong muốn. Nhưng khi lắng nghe chia sẻ của các con, cảm nhận được khả năng của từng đứa và sở thích của chúng, tôi đã để các con lựa chọn điều phù hợp với mình. Như thế đồng nghĩa với việc tôi phải thay đổi kỳ vọng vào các con. Rất may, điều đó không quá khó như tôi nghĩ. Tôi không cảm thấy thất vọng mà còn cảm thấy nhẹ nhàng hơn", chị Xuân chia sẻ.

Trong giai đoạn con trai thứ hai tìm trường thi vào lớp 10, chị Xuân đã để con tự do lựa chọn. Khi được mẹ ủng hộ nhiệt tình, cậu bé đã rất tự tin và nỗ lực hơn với bài thi của mình. Chị Xuân cho biết, chị sẽ không trách móc hay tỏ ra thất vọng nếu con đạt kết quả không như ý muốn. Bởi chị muốn để con trải nghiệm những kết quả do bản thân lựa chọn, làm chủ cuộc sống và mơ ước của mình. Thành công hay thất bại đều đáng trân trọng.

Còn đối với con lớn đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, chị hỏi con mong ước làm công việc gì trong tương lai, vì sao con thích. Sau đó, chị cùng con tìm hiểu trường, chuyên ngành, điểm chuẩn để cùng con đưa ra lựa chọn phù hợp.

Không “trói” con vào mong muốn của mình - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Xuân và các con

Sự đồng hành và chia sẻ ấy không chỉ giúp cho bản thân chị yên tâm hơn mà còn giúp các con có một chỗ dựa đáng tin cậy. Chị Xuân tự hào cho biết: "Các con luôn chia sẻ câu chuyện của mình và quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Mỗi con đều có tính cách và quan điểm riêng và tôi luôn tôn trọng điều đó. Nhưng tôi cũng tìm cách để điều chỉnh hay thay đổi những điểm không nên của các con một cách hài hòa nhất".

Thực tế, cũng như những người mẹ khác, chị Xuân từng trải qua cảm giác khó chịu khi con không nghe lời. Nhưng chị có cách giải quyết vấn đề của mình đó là im lặng để cho qua thời điểm hai mẹ con cùng nóng giận, để mẹ và con có thời gian bình tâm lại và suy nghĩ thêm. "Một cách nữa cũng giúp tôi giải tỏa căng thẳng khi mẹ con không thống nhất được với nhau là tôi có thể trao đổi với những người bạn của mình để họ tư vấn thêm cho tôi từ kinh nghiệm của họ", chị Xuân chia sẻ.

Đối với những vấn đề không quá căng thẳng, chị Xuân sẽ chọn cách tranh luận cùng con để đi đến một thống nhất, một quyết định. Và điều quan trọng nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị cũng luôn cố gắng lắng nghe con để cùng tìm ra hướng giải quyết phù hợp với con nhất.

Những đứa trẻ có thành tích tốt một phần được sinh trưởng và dạy dỗ bởi những cha mẹ có mục tiêu cao, có sự kỳ vọng vào trẻ. Nhưng cũng có không ít đứa trẻ trở nên mất tự tin, thất bại, không tìm thấy chính mình và điểm cuối là không thể hạnh phúc khi chúng không làm đúng như cha mẹ kỳ vọng. Theo chị Xuân, ngày nay có nhiều phụ huynh đã thay đổi quan điểm của mình, thay vì đặt kỳ vọng vào con quá cao, họ đồng hành cùng con xuất phát từ chính tình yêu thương và sự thấu hiểu. Bởi nếu những kỳ vọng quá giới hạn của bố mẹ so với khả năng của con có thể khiến con gặp các vấn đề về tâm lý, thậm chí xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm