pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiếm tiền bằng “Clip bẩn”: Bài cuối - Dẹp "clip bẩn" để tránh hệ lụy cho xã hội
Tranh biếm họa “Nhào dzo” của họa sĩ Hữu Lộc.
Người dân bức xúc trước vấn nạn "clip bẩn"
Bà Nguyễn Thị Lan, ở Bắc Ninh, cho biết: “Tôi thấy những clip con rể chửi bố vợ; con dâu chửi mẹ chồng; chị em, anh em chửi nhau được dàn dựng tung lên mạng xã hội là rất xấu xí. Họ không phản ánh những điều tốt đẹp trong xã hội, ngược lại họ lại đi dàn dựng những hình ảnh phản văn hóa, phi đạo đức. Việc này chỉ tạo ra rác mạng, mỗi lần nhìn thấy mà bức xúc, không hiểu sao họ có thể làm như vậy để câu view, câu like”.
Nhiều cư dân mạng bức xúc thể hiện phản ứng với những clip bẩn
Bạn Ngô Minh Tiến, ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, thì nhận định: “Câu view bằng clip bẩn là hành vi không thể chấp nhận được, bởi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh. Nhưng một số kẻ lại chọn con đường sản xuất những clip bẩn để câu view, câu like kiếm tiền, tạo ra thứ rác bẩn trong đời sống cộng đồng là hành vi rất đáng lên án”.
Chị Hoàng Thị Hạnh, giáo viên ở Hưng Yên, chia sẻ: “Những clip có nội dung xấu độc như thế này mà để con trẻ xem được thì quả thực là có hại cho các cháu. Rất nhiều phụ huynh đã phàn nàn với chúng tôi về những "clip bẩn" tung lên mạng, vô tình các cháu xem được, nhiều cháu còn ngây ngô bắt chước những câu nói trong các clip ấy. Nên họ thường phải kiểm soát để ngăn các cháu khỏi các nội dung xấu độc đó”.
Cần xử lý nghiêm những kẻ lan truyền "clip bẩn"
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho hay: “Hình thức câu view bằng các "clip bẩn" như hiện nay là điều rất đáng lo ngại, bởi nó chỉ thỏa mãn cho mục đích của những kẻ bất chấp các quy định của pháp luật, các giá trị chuẩn mực của xã hội để trục lợi về vật chất. Nhưng nó lại tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho xã hội. Đặc biệt là về mặt văn hóa, trong khi chúng ta khuyến cáo người dân cần thiết xây dựng môi trường sống lành mạnh, thì họ lại đi làm ra những clip có nội dung bẩn, rồi tung vào đời sống cộng đồng.
Nếu một người nước ngoài xem được những clip bẩn này, thì họ sẽ nghĩ gì về môi trường xã hội, về đời sống văn hóa cộng đồng ở Việt Nam, chắc chắn họ sẽ nghĩ không hay về xã hội của chúng ta. Chưa kể, những nội dung này tung lên, với những người chưa hiểu chuyện, chắc chắn sẽ buông ra nhiều lời bình luận tiêu cực, thậm chí là chửi rủa tục tĩu kiểu hiệu ứng đám đông. Những điều này đều không có lợi cho thuần phong mỹ tục”.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã từng xử lý nhiều đối tượng có hành vi vi phạm các quy định trên không gian mạng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người chưa tuân thủ các quy định, vẫn bất chấp tất cả để tạo ra những "clip bẩn", ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống cộng đồng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xem xét, kiểm tra xử lý nghiêm.
Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” trong đó nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội, như sau:
Thứ nhất là quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;
Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin;
Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.