Kinh doanh trong dịch Covid-19: “Khách hàng vẫn ở đó, cơ hội vẫn luôn có”

Trần Lê
13/06/2021 - 11:46
Kinh doanh trong dịch Covid-19: “Khách hàng vẫn ở đó, cơ hội vẫn luôn có”

Nguyễn Thu Hoài (CEO thương hiệu Nương Bắc).

Luôn linh hoạt và tập trung vào khách hàng bởi dù trong hoàn cảnh nào thì khách hàng vẫn ở đó, cơ hội vẫn luôn có. Điều quan trọng là ai sẽ tìm thấy cơ hội sớm hơn và mang tới cho khách hàng nhanh hơn. Đó là bí quyết kinh doanh trong mùa dịch Covid-19 của chị Nguyễn Thu Hoài (CEO thương hiệu Nương Bắc).

Khởi nghiệp từ năm 2017 với các sản phẩm bánh chưng được làm từ gạo nếp nương Điện Biên, với chất lượng, mẫu mã hiện đại và độc đáo, cô cử nhân ngoại giao Nguyễn Thu Hoài đã nhanh chóng chinh phục thị trường ẩm thực. Ngay năm ra mắt đầu tiên, Nương Bắc bán hết hơn 1.000 hộp bánh chưng quà Tết chỉ trong vòng hơn một tuần. 

Năm 2018, con số này lên tới hơn 4.000, kèm theo là khoảng 16.000 chiếc bánh bán lẻ trong dịp Tết cổ truyền dân tộc. Tận dụng triệt để cơ hội ấy, Nương Bắc liên tiếp mở nhiều đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng…

Cuối năm 2019, thương hiệu bánh chưng Nương Bắc khẳng định được vị trí trên thị trường. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công ty Nương Bắc đạt tăng trưởng về doanh thu lên tới 40%.

Kinh doanh trong dịch Covid-19: “Khách hàng vẫn ở đó, cơ hội vẫn luôn có” - Ảnh 1.

Sản phẩm chính của Thu Hoài là những loại bánh

Thời điểm Thu Hoài chuẩn bị mở rộng thêm quy mô sản xuất, chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm là lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên phạm vi toàn cầu.

Thích nghi và lên kế hoạch sống chung với Covid-19

Dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ nhưng tính tới thời điểm này, thì cũng đã hơn một năm kể từ ngày Việt Nam phát hiện ra ca nhiễm bệnh đầu tiên. Do vậy, so với một năm trước thì các doanh nghiệp cũng đã phần nào thích nghi và thậm chí là lên kế hoạch sống chung với Covid -19.

Nguyễn Thu Hoài chia sẻ: Lĩnh vực kinh doanh của mình là thực phẩm - nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng nhất bởi Covid-19, vì là nhóm đồ dùng thiết yếu. Hơn nữa, từ trước khi có dịch, mình đã chuyển đổi kinh doanh lên hình thức trực tuyến. Nhưng các doanh nghiệp thực phẩm nói chung và Nương Bắc nói riêng cũng không tránh khỏi vòng xoáy thiệt hại, vì dịch bệnh đến, hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi, đã tác động làm thay đổi cơ cấu sản phẩm và nhóm khách hàng mục tiêu của công ty.

Trước đây, sản phẩm chính của Thu Hoài là những loại bánh, mặt hàng thực phẩm sử dụng ngay, hạn ngắn và bán theo hình thức đặt hàng trước rồi sản xuất. Khi Covid-19 diễn ra, nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, rồi hạn chế tập trung đông người, khách hàng đã phát sinh nhu cầu mua các sản phẩm tích trữ nhiều hơn. Do vậy, Thu Hoài đã ngay lập tức nghiên cứu và thay đổi danh mục sản phẩm cung cấp, chuyển từ sản phẩm "tươi" sang sản phẩm "cấp đông".

Một ví dụ cụ thể, đó là chuyển đổi sản phẩm quẩy. Nữ CEO giải thích: Trước đây quẩy được bán theo hình thức bán trực tiếp tại xe hoặc ship đi nhưng đã là sản phẩm chín, để khách hàng sử dụng ngay. Ở giai đoạn có dịch Covid-19, Nương Bắc đã nghiên cứu cách sơ chế quẩy và cấp đông để bán cho khách hàng về nhà chủ động chế biến khi có nhu cầu.

Thay đổi danh mục sản phẩm cung cấp, chuyển từ sản phẩm "tươi" sang sản phẩm "cấp đông".là cách Thu Hoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong mùa dịch Covid-19

Với cách chế biến linh hoạt như vậy, sản phẩm không chỉ cung cấp cho các khách hàng lẻ mà đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch, cửa hàng nguyên liệu làm bánh. Đặc biệt, với quẩy cấp đông, Nương Bắc cũng đã ký được hợp đồng hợp tác với Tập Đoàn Goldengate – đưa vào nhà hàng I Phở - thương hiệu mới ra mắt của tập đoàn. Đây cũng là một điểm sáng của Nương Bắc trong mùa dịch.

Bên cạnh đó, Thu Hoài chia sẻ, cô cũng mở rộng hợp tác với các đơn vị cửa hàng thực phẩm sạch nội thành và ngoại tỉnh lân cận Hà Nội để mở rộng kênh phân phối đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng nhiều hơn. Đồng thời, đa dạng kênh bán hàng trên online, mở các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và các ứng dụng giao đồ ăn (Food Apps) như Now, Grab…

"Không chỉ đổi mới phương thức sản xuất, mở rộng phân phối, về mặt quản trị cũng cần phải linh hoạt trong mùa dịch" - Nguyễn Thu Hoài cho biết. Do dịch bệnh, có những nhân sự vô tình nằm trong khu vực bị cách ly hay những đơn hàng của đối tác nằm trong vùng dịch, vận chuyển bị ngưng trệ, khiến hoạt động của công ty cũng có một chút bị gián đoạn, Hoài phải áp dụng cách làm việc từ xa và chuẩn bị các phương án xử lý linh hoạt để hàng hóa được lưu thông…

Tìm kiếm cơ hội trong mùa dịch Covid-19

"Sau hơn một năm quan sát và sống chung với Covid-19, mình nhận ra rằng người kinh doanh phải luôn nhạy bén, theo dõi tình hình của các nước có tình trạng nặng hơn của Việt Nam, hoặc giáp biên giới với Việt Nam để phán đoán kịch bản có thể xảy ra, học hỏi các doanh nghiệp nước ngoài cách thức họ áp dụng để vượt qua dịch bệnh hiệu quả", nhà sáng lập thương hiệu Nương Bắc chia sẻ.

Bí quyết kinh doanh của Nguyễn Thu Hoài để "vượt bão" Covid-19 là: "Trong khó khăn, tinh thần của người lãnh đạo rất quan trọng. Phải luôn giữ được tinh thần lạc quan, tích cực và tìm giải pháp chứ không than vãn. Áp dụng theo cách đó, bạn sẽ luôn tìm thấy hướng đi cho doanh nghiệp của mình, từ đó động viên và khích lệ cộng sự trong công ty cùng đoàn kết để triển khai "sự thay đổi".

Đồng thời, CEO cũng phải luôn linh hoạt và tập trung vào khách hàng. Khách hàng vẫn ở đó, cơ hội vẫn luôn có. Điều quan trọng là ai sẽ tìm thấy cơ hội sớm hơn và mang tới cho khách hàng nhanh hơn. 

Do vậy, dù có dịch Covid-19 hay không thì bộ phận chủ chốt của doanh nghiệp vẫn phải luôn thực hành kỹ năng Quan sát - Phân tích  - Đúc kết - Hành động thật nhanh thì mới có thể có kết quả vượt trội". 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm