pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kinh doanh trong dịch Covid-19: "Ngồi yên có nghĩa là chờ chết"
Chị Vũ Thị Thu Hà, sáng lập và điều hành công ty ICP FOODS
Từ doanh thu tiền tỷ đến đi gom từng đơn hàng lẻ
ICP FOODS do chị Vũ Thị Thu Hà sáng lập và điều hành là công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch vào hệ thống các trường học quốc tế và trường học chất lượng cao tại Hà Nội. Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, doanh thu công ty đạt vài tỷ đồng/tháng.. Nhưng dịch bệnh ập đến, hệ thống giáo dục là một trong những lĩnh vực bị tổn thương nặng nề nhất. Kéo theo những đơn vị làm dịch vụ liên quan đến trường học như công ty của chị cũng thấm đòn.
Năm 2020 tổng thời gian nghỉ dịch tới gần 5 tháng nên kế hoạch kinh doanh của công ty dù điều chỉnh vài lần vẫn không về đích. Năm 2021 tưởng yên ổn hơn thì từ đầu năm đến giờ hai lần nghỉ dịch. Dịch lần này còn chưa biết kéo dài đến bao giờ và công ty phải tạm dừng hoạt động theo lịch học của trường. Mỗi lần như vậy rất bị động, khó xoay xở.
Dịch bệnh, thiệt hại về tiền bạc, vật chất thì rõ như ban ngày, còn thiệt hại về tinh thần thì lấy gì đo đếm được. Chị Thu Hà chua xót: "Nhiều khi thấy chạnh lòng vì thương gia đình đã luôn cảm thông và hi sinh để mình thực hiện đam mê. Thương anh chị em nhân viên vẫn kiên nhẫn đồng hành cùng công ty dù thu nhập sụt giảm đáng kể. Thương những người sản xuất vẫn cố gắng đáp ứng hàng hóa tốt nhất dù chẳng nhận được lời hứa hẹn gì. Có những lúc muốn được khóc lóc, thở than nhưng lại nuốt nghẹn vào trong, bởi, sau lưng mình còn có rất nhiều trách nhiệm, với gia đình, với nhân viên, với đối tác, với các nhà cung ứng…
"Nhưng tôi không muốn ngồi yên chờ đến lúc hết dịch. Nếu ngồi chờ thì sẽ mất rất nhiều thứ: mất thời gian, mất cơ hội, mất tinh thần, mất nhân viên tốt, mất tiền... Tôi muốn làm gì đó dù là nhỏ, dù là vất vả, dù là "chẳng ăn thua", dù là "không tương xứng" như cách mà mọi người nghĩ, nhưng cứ làm đã. Làm để bớt thời gian nghĩ ngợi, để thử sức với những thứ mình chưa từng làm biết đâu tìm ra hướng đi mới, để khám phá khả năng và giới hạn của bản thân, để nhân viên túc tắc có việc...", chị Hà chia sẻ.
Thay đổi để thích với nghi hoàn cảnh mới là cách chị Thu Hà lựa chọn. Từ một nữ giám đốc chỉ quen với những hợp đồng giá trị cao, làm việc với những hệ thống phân phối lớn, chị Vũ Thị Thu Hà bắt đầu khởi động kênh bán lẻ phục vụ cho các gia đình. Chị gạt bỏ mọi sỹ diện để hàng ngày viết các bài bán hàng trên trang cá nhân, fanpage, kêu gọi gom từng đơn hàng để đặt cho số lượng...
Nỗi niềm người trong cuộc
"Nhiều lúc cũng ngậm ngùi lắm chứ, vì mạng xã hội hạn chế tương tác từ khi mình bắt đầu đăng các bài bán hàng cũng khiến việc chia sẻ thông tin khó khăn hơn. Bên cạnh đó là sự khó chịu của một số người quen, bạn bè không có nhu cầu mua bán gì mà cứ bị làm phiền bởi những bài đăng quảng cáo của mình, có những người đã lẳng lặng huỷ kết bạn, huỷ theo dõi. Mình biết đó là những phiền toái gây ra nhưng đây là quyết định hết sức khó khăn của mình", chị tâm sự.
Tuy nhiên, chị Hà suy nghĩ theo hướng tích cực, đó là dù thế nào đội ngũ cũng phải cố vượt lên trên hoàn cảnh để sống ngẩng cao đầu. Cứ xem đây là một cơ hội mới của công ty khi lâm hoàn cảnh khó khăn, bởi nếu không có dịch, mình sẽ chẳng bao giờ để tâm đến việc thiết lập kênh bán lẻ. Mình hy vọng kênh bán lẻ đủ đối trọng với kênh trường học, để những lần nghỉ dịch như thế này nhân viên vẫn có việc làm, công ty không phải dừng hoạt động, duy trì được đội ngũ nhân viên nòng cốt để hết dịch là có thể vận hành được ngay", chị Hà chia sẻ.
Với dịch vụ cung cấp thực phẩm cho gia đình, chị Thu Hà cung cấp các loại thực phẩm sạch, hàng hoá chất lượng, đặc sắc mà chính chị đã đi khắp vùng miền lựa chọn. Đây là điều chị không thể làm được nếu chỉ phục vụ cung cấp thực phẩm cho kênh trường học trước đây. Chỉ cần một đơn hàng, một lời động viên cũng khiến cho nữ giám đốc cảm thấy cảm kích và biết ơn bởi với chị lúc này, một người khách, một đơn hàng đều rất quý bởi nó là động lực đi làm mỗi ngày của cả đội ngũ.
Chung tay cùng cộng đồng chống dịch Covid-19
Dù trong khó khăn, chị Vũ Thị Thu Hà vẫn luôn đồng hành cùng cộng đồng vượt qua đại dịch, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Với những gia đình ở trong khu bị cách ly, phong tỏa, ICP FOODS - Thực phẩm sạch Gia đình áp dụng chính sách hỗ trợ: giảm 10% hóa đơn, tặng rau sạch cho khách hàng.
Chị Thu Hà cũng là một trong những cá nhân tiên phong ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19. Chị Thu Hà bày tỏ: Từ thiện hay san sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình là việc nên làm. Đối với tôi nó, còn là một trong những mục đích sống. Tiêm vaccine là giải pháp cần thiết để cứu cả nhân loại thoát khỏi thảm kịch Covid-19. WHO đã tuyên bố "Không để quốc gia nào ở lại phía sau" bởi dù chỉ còn một quốc gia chưa xử lý được nạn dịch này thì các quốc gia khác cũng không thể sống yên bình. Số tiền dùng để mua vaccine rất lớn, nằm ngoài ngân sách chi của Nhà nước nên theo tôi việc này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Người có gánh bớt cho người thiếu, người giàu trả tiền giúp người nghèo, chung quy cũng là tự bảo vệ mình. Đừng mất thời gian với câu hỏi "Liệu số tiền này có được chi đúng mục đích?" rồi chần chừ thêm nữa, hãy hành động từ hôm nay, để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Để đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn mùa dịch, chị Thu Hà chia sẻ, chị có mong muốn đề xuất với Chính phủ:
- Chỉ ban hành quyết định cho trường học nghỉ dịch khi thật cần thiết để phụ huynh yên tâm đi làm, nhà trường đảm bảo lịch dạy và có nguồn thu bù đắp chi phí, học sinh được tới trường học tập và vui chơi trên nền tảng cơ sở vật chất phù hợp, các nhà cung cấp liên quan tới hệ thống giáo dục có việc làm để đảm bảo nguồn thu duy trì vận hành và thu nhập cho người lao động.
- Miễn hoặc giảm tiền đóng BHXH cho doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn nghỉ dịch.
- Cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để khắc phục hậu quả dịch Covid, ổn định sản xuất và vận hành.
* Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ