pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kinh nghiệm hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phụ nữ di cư và gia đình trở về từ Hàn Quốc
Bà Phạm Thị Thúy Hải (bìa trái), Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng, đại diện Văn phòng OSSO Hải Phòng, chia sẻ những nhu cầu của phụ nữ di cư và gia đình trở về từ Hàn Quốc dựa trên kinh nghiệm tham vấn
Trong khuôn khổ "Hội thảo Song phương Việt Nam - Hàn Quốc: trao đổi về các mô hình và thực tiễn hiệu quả hỗ trợ phụ nữ di cư kết hôn và gia đình của họ" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức (ngày 4 và 5/11/2021), bà Phạm Thị Thúy Hải, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng, đại diện Văn phòng OSSO Hải Phòng đã chia sẻ những nhu cầu của phụ nữ di cư và gia đình trở về từ Hàn Quốc dựa trên kinh nghiệm tham vấn.
Theo bà Phạm Thị Thúy Hải, trong quá trình tiếp cận và tư vấn, phụ nữ di cư hồi hương và gia đình thường có những mong muốn, nhu cầu cần được hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ các thủ tục về pháp lý; Hỗ trợ, động viên về tâm lý, tinh thần và Hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, các hoạt động sinh kế.
Liên quan đến pháp lý, phụ nữ và gia đình từ Hàn Quốc trở về thường gặp các tình huống cần hỗ trợ về: Thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc; Làm giấy khai sinh cho trẻ em và các thủ tục liên quan đến trẻ em là con lai Hàn Quốc.
Để hỗ trợ thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc, đại diện Văn phòng OSSO Hải Phòng chia sẻ cụ thể hơn: Chị em đã sang Hàn Quốc trở về hoặc đã làm thủ tục kết hôn nhưng vì lý do nào đó không sang được Hàn Quốc, không có hôn nhân thực tế. Với các trường hợp còn đầy đủ giấy tờ, thông tin liên quan đến người chồng, Văn phòng OSSO Hải Phòng phối hợp với Văn phòng Kocun hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ lấy bản án ly hôn từ Hàn Quốc, sau đó hỗ trợ chị em thực hiện ghi chú ly hôn tại Phòng Tư pháp các quận, huyện.
Tuy nhiên, với các trường hợp trở về từ lâu, không còn giữ giấy tờ liên quan đến người chồng, Văn phòng OSSO Hải Phòng thường phối hợp Sở Tư pháp tìm hồ sơ lưu khi đăng ký kết hôn. Mặc dù vậy, việc tìm hồ sơ lưu cũng rất khó khăn, vất vả vì các hồ sơ đăng ký trước năm 2010 lưu bằng văn bản giấy, chưa có hệ thống lưu trữ bằng máy móc. Mặt khác, quy định về việc sao lưu hồ sơ cũng chặt chẽ. Hội LHPN Hải Phòng luôn luôn củng cố, tăng cường mối quan hệ với Phòng chuyên môn của Sở Tư pháp để hỗ trợ tìm thông tin hồ sơ lưu trữ.
Từ đầu năm, Sở Tư pháp đã hỗ trợ tìm thông tin hồ sơ cho khoảng 5-6 phụ nữ trở về như chị T, N (huyện Kiến Thụy), T (huyện An Lão), H, P, L (huyện Thủy Nguyên).
Kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý liên quan đến việc làm giấy khai sinh cho trẻ em
Các trường hợp cần hỗ trợ là con lai Hàn Quốc; trẻ em là con của phụ nữ trở về với người Việt Nam (do chưa ly hôn với người Hàn Quốc, chưa đăng ký kết hôn được với người đang chung sống như vợ chồng nên vướng mắc trong khai sinh cho con). Có trường hợp, phụ nữ trở về chung sống với người Việt Nam, có 3 con nhưng vẫn chưa được khai sinh. Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản của trẻ như: khám chữa bệnh, đi học…
Với những trường hợp này, OSSO Hải Phòng đã liên hệ, kết nối với các cơ quan chức năng (Tòa án, Tư pháp) hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc để hoàn tất việc khai sinh cho các cháu. Điển hình: hỗ trợ trường hợp chị Đinh Thị T. (huyện Thủy Nguyên): chị T. kết hôn với người Hàn Quốc năm 2014 nhưng chưa sang được Hàn Quốc do chồng không bảo lãnh được. Về pháp luật vẫn có quan hệ hôn nhân với người Hàn Quốc. Chung sống với chồng Việt Nam và sinh được 2 con. Sau 5 năm, con chị T. vẫn chưa khai sinh được do không biết thủ tục, không đủ chi phí để thực hiện các thủ tục.
Đến khi gặp cán bộ Văn phòng OSSO, chị T. đã được hỗ trợ: Tư vấn, giới thiệu đến Tòa án Thành phố làm thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc; Tư vấn làm thủ tục kết hôn với người chồng Việt Nam; Tư vấn các thủ tục làm xác nhận cha cho con. Giới thiệu và kết nối với thẩm phán Thủy Nguyên để giải quyết các thủ tục liên quan. Sau quá trình hỗ trợ đến nay chị T. đã hoàn tất thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc, thủ tục kết hôn với người Việt Nam và làm được khai sinh cho 2 con. Văn phòng OSSO cũng đã kết nối hỗ trợ tư vấn chị T. về kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con.
Chia sẻ kinh nghiệm về các thủ tục liên quan đến trẻ em là con lai Hàn Quốc, trở về Việt Nam nhưng đã có quốc tịch Hàn Quốc - gia hạn visa, tiếp cận với các cơ quan thẩm quyền của Hàn Quốc để làm các thủ tục liên quan, bà Thúy Hải nêu ví dụ về trường hợp chị Nguyễn Thị T. (quận Hải An). Sau thời gian ở Hàn Quốc, gia đình chị trở về Việt Nam sinh sống, các con có quốc tịch Hàn Quốc, sau một thời gian lại phải đi gia hạn visa, rất mất thời gian và chi phí. Văn phòng đã kết nối với Phòng Xuất nhập cảnh - Công an Hải Phòng để hướng dẫn các thủ tục bảo lãnh làm tạm trú cho các cháu.
Khó khăn đối với những trường hợp như trên là do chị em và gia đình chưa biết về các thủ tục cần làm, không biết tìm đến cơ quan chức năng nào đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề của mình và đặc biệt khó khăn nhất là chị em thiếu các giấy tờ liên quan.
Với từng trường hợp cụ thể, Văn phòng OSSO Hải Phòng đã có những kết nối đúng địa chỉ (Tư pháp, Công an, Tòa án, Văn phòng Kocun…) để có những hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Văn phòng OSSO Hải Phòng chính thức hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ từ tháng 1/2021.
Trong quá trình vận hành, với nhiều hình thức khác nhau (gọi điện, nhắn tin, tư vấn trực tiếp tại Văn phòng, truyền thông, tư vấn tại cơ sở, thăm gia hỏi tại gia đình, qua giới thiệu của các cơ quan chuyên môn, cộng tác viên cơ sở, quá trình giảng các lớp PDO của Kocun...), đã tiếp cận, tư vấn, phối hợp hỗ trợ 787 ca phụ nữ hồi hương và gia đình, trong đó phụ nữ di cư và gia đình trở về từ Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 65% trong tổng số các ca tư vấn).