Làm gì để phụ nữ di cư hồi hương được hoà nhập?

Hải Yến
29/09/2021 - 17:41
Làm gì để phụ nữ di cư hồi hương được hoà nhập?

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại chương trình

Nhiều phụ nữ di cư hồi hương gặp những khó khăn như tình trạng pháp lý không rõ ràng, hạn chế trong tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ. Đặc biệt, nhiều người còn chịu những sang chấn tâm lý nặng nề.

Ngày 29/9, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức chương trình truyền thông trực tuyến "Đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập bền vững".

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chương trình được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến.

30% cô dâu Việt ly hôn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 lao động, trong đó có 14.912 lao động nữ. Khảo sát nhanh của Hội LHPN Hà Nội năm 2020 cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, có 452 phụ nữ di cư kết hôn với người nước ngoài, 88 phụ nữ di cư hồi hương.

Tại Hội thảo "Kết nối mạng lưới–Lan tỏa yêu thương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đầu năm 2021, tổ chức Di cư quốc tế IOM đánh giá, Việt Nam đang là nước có số phụ nữ có tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài cao. Mặt khác, tỷ lệ ly hôn trung bình cũng lên tới 30%. Điều này tác động đến cuộc sống của hơn 400 trẻ em được sinh ra từ các cuộc hôn nhân đa quốc gia mỗi năm.

Đặc biệt, phụ nữ di cư hồi hương và con của họ gặp phải nhiều vấn đề khi tái hòa nhập với cộng đồng tại quê nhà, do tình trạng pháp lý không rõ ràng, khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ hạn chế.

Theo kết quả khảo sát từ 189 phụ nữ di cư trở về (của 5 tỉnh/thành), có tới 27% người về mang theo con cái. Trong đó, cứ 10 phụ nữ trở về thì có 3 người chưa hoàn tất ly hôn. Do đó, con cái họ gặp khó khăn trong việc làm giấy khai sinh, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục.

Sang chấn tâm lý nặng nề

Tại buổi truyền thông, các đại biểu, diễn giả cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ tái hòa nhập kịp thời, nhiều phụ nữ di cư hồi hương sẽ tiếp tục phải chịu tổn thương, khó khăn trong cuộc sống…Đặc biệt, phụ nữ là nạn nhân của tội phạm buôn bán người còn phải chịu sang chấn tâm lý, sức khỏe tinh thần nặng nề.

Các đại biểu, diễn giả cũng đã thảo luận, chia sẻ, trao đổi các thông tin, tình hình về phụ nữ di cư hồi hương và công tác tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn thành phố; tham mưu, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các chính sách để có thể hỗ trợ toàn diện phụ nữ di cư hồi hương.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực  LHPN Hà Nội cho biết, để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ di cư hồi hương, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch; tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của cộng đồng về kiến thức, kỹ năng di cư an toàn; tổ chức hoạt động cụ thể để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ hòa nhập cộng đồng bền vững. Đồng thời truyền thông, quảng bá về Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO) cung cấp tới các cán bộ, hội viên, nhân dân, phụ nữ di cư hồi hương và gia đình.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động truyền thông tại 2 huyện Đan Phượng, Đông Anh và quận Hà Đông về vấn đề này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm