Kinh tế báo chí và việc thực hiện tôn chỉ mục đích

PV
24/02/2023 - 11:40
Kinh tế báo chí và việc thực hiện tôn chỉ mục đích

"Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023" được tổ chức vào ngày 24/2 tại Bình Định. Ảnh: C.T

Đó là tham luận của Nhà báo, Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Huyền (Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân) tại "Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023". Báo PNVN xin trích đăng bài tham luận này.
Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 - Ảnh 1.

Nhà báo, Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Huyền (Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân)

Dù muốn hay không, vô hình trung, hiện nay, mỗi tòa soạn ở dạng thức nào vẫn đang thực thi nhiệm vụ kép.

Vì, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn hay là một doanh nghiệp đặc thù đi chăng nữa thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng… tờ báo ấy được khai sinh.

Nhưng trong cơ chế mới, khi nhà báo không còn là công chức, viên chức nữa; tòa soạn không là cơ quan hành chính nữa, khi không có đủ kinh phí thì làm sao vận hành tờ báo đầy đủ, mạnh mẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ mục đích, do đó buộc phải làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh, để tồn tại.

Một cách tự nhiên có 3 loại vấn đề đặt ra ở đây.

1. Kinh tế báo chí phải chăng là kinh tế hóa mục đích, tôn chỉ tờ báo?

Tờ báo không phải tổ chức thành doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng… sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí. Tờ báo không sinh ra để kinh doanh, trong khi nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ, mục đích thì lại xem nhẹ và mánh lới, "lạng lách" theo các nội dung kinh tế quyết định; "khoán doanh thu" hay xem "doanh thu và lợi nhuận" là tiêu chí tồn tại và đánh giá vị thế, chất lượng tờ báo như kiểu đánh giá doanh nghiệp. Tờ báo ở đâu, ngành nào cũng phải tuân thủ theo tiêu chí hoạt động của mình và tuân theo quy định pháp luật. Nếu sai trái, bị kiện, thu hồi giấy phép hay đình bản thì chẳng có cơ hội nào làm kinh tế cả. Lúc đó thì có là "doanh nghiệp đặc thù" cũng phá sản, Tòa soạn "nhịn và sống thoi thóp" và chỉ đợi ngày mai táng là không tránh khỏi.

Có thể thấy, ngay trong thực hiện nhiệm vụ của nhiều tờ báo, không phải vấn đề kinh tế được đặt lên trên hết. Nhiều thông tin "hot", có "giá" chỉ là để câu khách, câu view, tạo sóng dư luận… thì những tờ báo tuân theo tôn chỉ, mục đích của mình sẽ không bao giờ cho đăng dễ dãi như vậy và đông đảo độc giả "tò mò" không thề chờ thông tin kiểu này ở tờ báo chính thống thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của mình.

Nhưng "Không có thực thì làm sao vực được đạo". Báo chí cũng vậy! Không làm kinh tế báo chí, không có nguồn thu làm sao duy trì hoạt động tòa soạn, trả lương cho người lao động trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của cơ quan chủ quản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ hoạt động chi thường xuyên. Chưa nói đến đầu tư phát triển; đào tạo bồi dưỡng; hoạt động nghiệp vụ khác… Rõ ràng, thách thức của đơn vị sự nghiệp tự chủ nếu không làm tốt kinh tế báo chí thì hoạt động tòa soạn "èo uột", cứng nhắc, nghèo nàn, rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vai trò, vị trí, chức năng của tờ báo; tờ báo không có sức hấp dẫn và yếu thế chạy theo, hạn chế vai trò của tờ báo trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Vậy 2 mặt chính trị và kinh tế ở đây có mâu thuẫn không?

Nếu tờ báo, tác phẩm báo chí là hàng hóa thì hàng hóa đó là hàng hóa đặc thù, có định hướng, theo tôn chỉ, mục đích nhưng thị trường thì rất mở, đòi hỏi của người tiêu dùng "thông tin" là rất khác nhau mà không phải "hàng hóa thông tin" nào cũng đáp ứng một cách máy móc được. Nguyên tắc của thị trường là có "cầu" khắc có "cung".

Thậm chí "cung" đón trước chạy theo thỏa mãn "cầu" bất kể là cầu gì khi chưa thể xác định là phù hợp thế nào. Ở đây, chính là sự định hướng tư duy chính trị, kinh tế, quản lý, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ… của hàng hóa thông tin và báo chí phải vào cuộc đấu tranh, lựa chọn không thể buông xuôi hay bỏ mặc chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần.

Có ý kiến đặt vấn đề, làm báo đúng tôn chỉ, mục đích sẽ hạn chế nạn "hổ báo cáo chồn". Hổ báo cáo chồn ở đâu thả ra? Có phải tòa soạn thả ra hay không? Như vậy vấn đề trước tiên chính là tòa soạn, quyết định ở tòa soạn. Tòa soạn có đi đúng tôn chỉ, mục đích nghiêm túc và thường xuyên hay không? Hay thi thoảng "nới room" chỗ này chỗ kia cho "hổ báo cáo chồn" quấy nhiễu để mang về chút lợi ích kinh tế cho cá nhân và thậm chí một phần nho nhỏ cho tập thể. Rõ ràng đây không phải là cách làm kinh tế báo chí đúng đắn và bền vững. Trong trường hợp như vậy, tôn chỉ, mục đích không còn là trụ cột nâng tầm, vị thế tờ báo trong lòng bạn đọc để chiếm lĩnh thị phần… là chỗ dựa căn bản cho làm kinh tế báo chí mà là chỗ lợi dụng kiếm chác, ăn cả vào tên tuổi của tờ báo.

Nếu tác phẩm báo chí thực hiện đúng chức năng của mình, thông tin nhanh chóng, chính xác, kèm theo những bình luận, dự báo sắc sảo sẽ là sự bảo đảm uy tín và thương hiệu của tờ báo. Một khi tờ báo đã có uy tín, thương hiệu thì lượng công chúng sẽ tăng, theo đó quảng cáo và vấn đề kinh tế của tờ báo cũng được giải quyết.

Nhìn rộng và sâu hơn, trong mối quan hệ tự nhiên giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm kinh tế, thì vị thế, vị trí, vai trò của tờ báo, sự tin tưởng của độc giả, sự lan tỏa, ảnh hưởng và uy tín của tờ báo là điều kiện căn bản, thuận lợi cho kinh tế báo chí nương tựa và phát triển cũng rất tự nhiên và bền vững.

Có thể nói gọn một câu, sự thất bại về kinh tế báo chí, tờ báo sẽ khó khăn nhưng còn có thể cứu vãn được; nhưng, sự thất bại về chính trị, tức xa rời, buông bỏ tôn chỉ, mục đích, nhất là thất bại về pháp lý, thì tờ báo nhất định không còn chốn để nương thân.

2. Phải chăng chỉ làm kinh tế mới thực hiện được mục đích, tôn chỉ về chính trị của mình?

Có thể thấy một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được bao cấp về trụ sở, toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động. Một số cơ quan báo chí khác của các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi. Như vậy, đặt vấn đề báo chí như một "doanh nghiệp thông tin" sẽ còn nhiều vướng mắc trong khuôn khổ của đơn vị sự nghiệp có thu như thế nào?

Mỗi tờ báo có chức năng, nhiệm vụ riêng, có hướng đi riêng, dựa vào sức mạnh vị thế và uy tín thực hiện nội dung để chọn cho mình thị phần chính và khai thác sâu thị phần đó. Với tờ báo, tạp chí liên quan trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội kinh tế, bộ ngành kinh tế… thì cách tiếp cận kinh tế báo chí có những thuận lợi và cách tiếp cận xử lý cũng khác. Sự khác biệt của mỗi tờ báo từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích sẽ có những độc giả riêng quan tâm không kể ít hay nhiều mà đó là ai sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng công chúng và là cơ hội làm kinh tế báo chí bền vững.

Làm kinh tế trong hoạt động báo chí là nhu cầu cần thiết trước hết của chính tờ báo và xa hơn nữa của nền kinh tế thông tin và hội nhập. Nhưng, không thể bằng mọi cách, mọi giá. Vấn đề kinh tế báo chí càng trở nên phức tạp, thậm chí rối ren, khi đặt nhiệm vụ chính của tòa soạn là tự tìm kiếm nguồn lực kinh tế và coi đó là nguồn lực có tính quyết đinh để tồn tại và phát triển. Điều đó nhất định tác động đến dung lượng, thời lượng, số lượng, chất lượng, định hướng của tờ báo, tác phẩm báo chí, thông tin tuyên truyền mặt sáng hay mặt tối, có giật gân, câu khách không? Và điều đó đôi khi "trưng" trên mặt báo, trang báo bằng tỷ lệ tin tốt xấu; ở trang nhất, trang chủ, vị trị hot với tỷ lệ 30 – 70 hay 70- 30 mà cơ quan hữu quan thường nhắc nhở. Báo chí đấu tranh cái sai trái trong nhu cầu của một bộ phận độc giả lệch lạc "mê tín dị đoan", thích phô trương "showbiz"; thích câu khách, giật gân, thông tin cập nhật dễ dãi, không kiểm chứng, hay soi mói vi phạm đời tư, quyền của cá nhân; hay bí mật tố tụng kinh tế, dân sự, hình sự; hay phá hoại doanh nghiệp; lợi dụng kinh tế thị trường để trục lợi hay chạy theo đề cập dày đặc đến vấn đề không thuộc tôn chỉ mục đích để câu view, bán báo… Tình trạng vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan trong lĩnh vực thông tin báo chí để kinh doanh kiếm lời còn khá phổ biến. Ở góc độ kinh tế, tờ báo hay tác giả không chỉ mất giá trị tinh thần khó lấy lại mà còn thiệt hại khó lượng về kinh tế.

Làm kinh tế không thể theo cách như vậy và càng không phải theo cách "lôi kéo độc giả theo cách chiều chuộng mọi nhu cầu, dọa dẫm mặc cả; chặt chém, thông tin đục đục mờ mờ gây tò mò…". Những cách làm kinh tế dựa theo cách làm thông tin như vậy tự thân nó đã mâu thuẫn với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo và đi xa hơn nữa là vi phạm pháp luật.

Ở đây, tự nhiên nảy ra một vấn đề là, lúc này, chính trị là kinh tế nhưng cũng chính lúc này, nếu hiểu và làm kinh tế bằng mọi cách, mọi giá thì chính trị bị tổn thương, vô hình cả hai thứ chính trị hay kinh tế như thế, sẽ cáo chung.

Các đại biểu tham dự "Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023"

3. Phải chăng càng thực hiện tôn chỉ, mục đích thì kinh tế báo chí dù không cầu cũng càng tự đến?

Tờ báo sinh ra có vị trí, vai trò, chức năng và tôn chỉ, mục đích của mình; có bạn đọc gần gũi và rộng rãi và có thị phần chính thức và chuyên biệt hay mở rộng; đặc sắc và không chồng lấn. Nếu xem nhẹ tôn chỉ, mục đích cái gì cũng làm, cái gì cũng đụng một tý, cái gì cũng view bao nhiêu… mà không chuyên tâm, chuyên sâu thì nhạt nhòa, không định được hình hài, vị trí, vai trò của tờ báo trong dòng chảy của thông tin và không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ dù có đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào hay phát triển đa dạng các sản phẩm phụ để "lách luật" đầy mưu mẹo, mánh lới đến đâu thì khó có thể làm kinh tế báo chí bền vững. Có chăng tồn tại là kiểu kinh tế "đánh quả, chụp giật" hay ăn xổi ở thì.

Những vấn đề quan trọng từ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tôn chỉ, mục đích chính là cơ sở lý giải cho các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các hình thức thông tin tuyên truyền theo đặt hàng từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, nguồn lực công và tư. Sự đầu tư đúng và trúng nhiệm vụ, vị thế, uy tin, sức sống lan tỏa của tờ báo một mặt làm nên hiệu quả thông tin sâu sắc hơn, mặt khác tờ báo sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhiều nguồn lực từ xã hội hơn.

Đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại "hiệu quả kép" vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính phương thức kinh tế báo chí xuyên thấm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội.

Phương thức này rất khác việc khai thác nền tảng thông tin xã hội trên cơ sở các hệ sinh thái tiện dụng hữu ích, cá nhân hóa, thông tin lấy từ các nguồn của báo chí, thông tin lại hay lách bản quyền; thông tin không cần kiểm chứng, thông tin sai sự thật, định kiến hay xấu, độc… nhằm thu hút lượng người truy cập rất lớn, tương tác xấu độc tạo sóng kiếm lời. Phương thức này càng khác xa với việc tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ mới chỉ để thu hút quảng cáo, tài trợ… với nguồn thu xuyên quốc gia một cách quang minh chính đại.

Thực hiện tốt việc tuyên truyền hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động của Hội đồng Nhân dân có mang lại cơ hội cho kinh tế báo phát triển không?

Rõ ràng, lợi ích kinh tế sẽ có được từ giá trị thông tin tờ báo tổ chức, xây dựng và lan tỏa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát và hiệu lực, hiêu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử là quý giá và thiết thực. Có thể thấy khi xây dựng đạo luật có nguồn kinh phí nhất định. Nguồn kinh phí này sự dụng như thế nào cho hợp lý ngay trong giai đoạn hình thành, xây dựng chính sách… đó chính là quá trình lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng điều chỉnh; chính là quá trình truyền thông xã hội vào cuộc sớm, bàn thảo, tìm kiếm sáng kiến lập pháp, giải pháp và tập hợp phản ánh, nguyện vọng của nhân dân giúp định hướng bước đầu trong lựa chọn chính sách... Và việc tài trợ, quảng bá rộng rãi, chuyên sâu trong quá trình này là cơ hội tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách; đồng thời, chính là mảnh đất kinh tế, để tờ báo đồng hành, thâm canh và tạo nguồn thu ổn định.

Việc thực hiện nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích cần có nguồn kinh phí tương xứng và cơ quan chủ quản cần nhận rõ nhiệm vụ nội dung công việc này để ký hợp đồng đặt hàng phù hợp. Nhưng, nguồn kinh phí vận hành tòa soạn và tổ chức thông tin phong phú sẽ ra sao khi nguồn ngân sách là không đủ và ngày càng hạn hẹp. Tòa soạn phải triển khai các hoạt động kinh tế trên nền tảng hoạt động thông tin rộng lớn và vai trò, vị thế, uy tín của tờ báo. Kinh nghiệm cũng cho thấy, khi hoạt động kinh tế tốt thì báo hoạt động sôi động, hiệu quả, chất lượng, có thương hiệu, có nguồn lực tái đầu tư phát triển và thu hút được người giỏi. Rốt cuộc, Báo thiếu nguồn sống để phát triển mạnh mẽ.

Nhưng có một điều cần lưu ý là, việc thực hiện nhiệm vụ, tôn chỉ của tờ báo không đơn giản là giải bài toán kinh doanh lời lãi mà cần thiết phải hiểu đó là đầu tư để phát triển, chứ không phải là trở lại bao cấp. Đấy chính là yêu cầu mà cơ quan chủ quản quan tâm đặt hàng phải giải quyết như một điều kiện có tính chát đủ, như là một yếu tố của kinh tế báo chí mang tính chính trị, vấn đề không phải bộ phận chuyên môn tài chính nào cũng thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ. Điều này cũng giống như xây dựng quy định của luật và thực hiện quy định đó. Khi xây dựng luật không chỉ là quy định, quy tắc điều chỉnh các đối tượng, định hướng chính sách xem xét, quyết định mà rõ ràng phải có nguồn kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên luật lại không quy định ngay tiến độ và nguồn kinh phí trong luật nên khi thực hiện phụ thuộc vào cơ quan thẩm quyền tính toán khi nào có đủ nguồn kinh phí mới tiến hành miễn giảm học phí cho cấp học bắt buộc được… dẫn đến việc thực hiện trong thực tiễn vướng mắc. Những quy định của luật cần chi phí thực hiện song hành với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tờ báo cũng như vậy!

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm và đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì Nhà nước sẽ đảm bảo về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ... để hỗ trợ về mặt kinh tế cho các cơ quan báo chí.

Đó là một hướng đi tất nhiên và đầy kỳ vọng.

Ngày 24/2, tại tỉnh Bình Định, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023". Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt nam giai đoạn 2020-2024. 

Đến dự và chủ trì Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế báo chí và 130 đại biểu và Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập; Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước; đại diện các cơ quan quản lý báo chí.

Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 diễn ra nhằm mục đích: Trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ. Chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm