Kinh tế toàn cầu chao đảo do virus Corona

Nhu Thụy
30/01/2020 - 16:33
Kinh tế toàn cầu chao đảo do virus Corona
Tính đến ngày 30/1, đã có 170 người tử vong, 7.819 ca nhiễm và 12.000 ca nghi nhiễm virus Corona. Đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra đang hoành hành dữ dội tại Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu ngay trong những ngày đầu năm 2020.

Nguy cơ phá hủy thị trường tài chính toàn cầu

Trên thực tế, dịch bệnh lan rộng đúng lúc Trung Quốc đối mặt với áp lực tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 3 thập kỷ qua khiến giới đầu tư toàn cầu chìm trong tâm lý tiêu cực. Niềm tin vốn mong manh khi Mỹ và Trung Quốc vừa làm ấm lại quan hệ thương mại đã gặp phải "gáo nước lạnh" đúng vào mùa tiêu dùng sầm uất nhất tại quốc gia tỷ dân.

Kiểm soát, đo thân nhiệt chặt chẽ ở Trung Quốc

Kiểm soát, đo thân nhiệt chặt chẽ ở Trung Quốc

Dịch viêm phổi do virus Corona gây thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn. Không ngành kinh tế nào được xét vào nhóm an toàn giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này. Chứng khoán toàn cầu giảm, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 3 tháng qua, doanh thu từ du lịch sụt giảm bất thường. Chuyên gia Darrell Cronk - Chủ tịch Wells Fargo Investment Institute (Mỹ) đánh giá: "Nếu dịch lan rộng tại Mỹ, thị trường tài chính sẽ rất quan ngại. Châu Á hiện là một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu; do đó, dịch sẽ ảnh hưởng tới tất cả".

Việc mua sắm tại Trung Quốc sụt giảm

Việc mua sắm tại Trung Quốc bị ảnh hưởng

Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm xuống mức yếu nhất năm 2020 vì các nhà đầu tư lo ngại về những thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ lệnh cấm du lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Thống kê năm 2004 cho thấy, dịch SARS khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng nếu lan rộng, dịch virus corona có thể gây thiệt hại nhiều hơn thế. Trung Quốc là đầu máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng GDP thế giới hàng năm. Tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội. 

Theo Tân Hoa xã, người tiêu dùng Trung Quốc chi tới hơn 1.000 tỷ NDT (145 tỷ USD) hồi Tết năm ngoái để mua sắm, ăn uống, giải trí và du lịch. Dịch bệnh rơi đúng vào Tết nguyên đán là dịp người Trung Quốc mua sắm và đi lại nhiều hơn bình thường. Theo ước tính của văn phòng Standard&Poor's, cứ 10% tiêu thụ sụt giảm trong các lĩnh vực giải trí, giao thông hay du lịch có thể khiến Trung Quốc mất 1,2% GDP tăng trưởng. Nhà kinh tế Perret-Green cho rằng dịch virus corona và các biện pháp chống cự của Trung Quốc có thể đẩy GDP năm 2020 của nước này xuống mức 3,9% như năm 1990.

Du lịch liêu xiêu

Năm 2019, khoảng 134 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, tăng 4,5% so với một năm trước đó. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc dự đoán khoảng 7 triệu người Trung Quốc sẽ ra nước ngoài đón Tết Nguyên đán năm nay. Thế nhưng, khách sạn, hãng hàng không, sòng bạc và các nhà vận hành tàu biển là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là sự bùng phát virus xảy ra trong dịp Tết, một trong những mùa du lịch lớn nhất ở châu Á. Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm du lịch với tổng số gần 35 triệu người không thể rời khỏi quốc gia này bằng đường hàng không hoặc đường sắt. 

Việc dừng các tour du lịch từ Trung Quốc đã gây nên một làn sóng ảnh hưởng tới lĩnh vực du lịch toàn cầu, với việc các nền tảng đặt phòng và đại lý du lịch buộc phải hoàn tiền cho khách hàng. Trip.com, nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc đã phải thành lập một quỹ cứu trợ thảm họa trị giá 200 triệu USD để hoàn trả cho những khách hàng đã trả tiền cho các gói du lịch nhưng hiện không thể đi du lịch do những hạn chế.

Sân bay, nhà ga Vũ Hán vắng vẻ do lệnh cấm du lịch

Sân bay, nhà ga Vũ Hán vắng vẻ do lệnh cấm du lịch

Thái Lan là một trong những quốc gia hưởng lợi nhất của sự bùng nổ du lịch Trung Quốc với tổng số lượt khách du lịch Trung Quốc hàng năm đến Thái Lan tăng từ 2,7 triệu vào năm 2012 lên 10,5 triệu vào năm 2019. Chi tiêu du lịch của Trung Quốc tại Thái Lan ước tính lên tới 17 tỷ USD năm 2019. Tuy vậy, ước tính doanh thu tiềm năng năm nay bị mất ở mức 50 tỷ baht (1,6 tỷ USD). Tổng cục Du lịch Thái Lan đang phải họp với khu vực tư nhân để giải quyết những sụt giảm trong kinh doanh.

Chứng khoán "điên đảo"

Thị trường chứng khoán toàn sắc đỏ

Thị trường chứng khoán toàn sắc đỏ

Từ châu Á, đến châu Âu và nước Mỹ, chứng khoán đỏ lửa dưới sức ảnh hưởng không biên giới của dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc. Nhóm cổ phiếu liên quan đến du lịch, như hàng không, casino và khách sạn giảm mạnh nhất. Các công ty kinh doanh sòng bài có hoạt động mạnh tại Trung Quốc như Las Vegas Sands, Wynn Resorts và Melco Resorts & Entertainment đều mất hơn 5%. Yum China mất 5,27% sau khi thông báo đóng cửa tạm thời một số cửa hàng KFC và Pizza Hut tại Vũ Hán - tâm điểm dịch bệnh. Các cổ phiếu công nghệ, như Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon mất từ 1,6% trở lên. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm gần 200 điểm ngay sau khi Trung Quốc ra quyết định mở rộng kiểm soát dịch bệnh ngoài Vũ Hán khiến các nhà đầu tư lo ngại nỗ lực ngăn chặn virus Corona mới của Trung Quốc không đạt hiệu quả.

Giá dầu đảo chiều thất thường

Giá dầu đảo chiều thất thường

Cũng như chứng khoán, nỗi lo về sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến giá dầu diễn biến trái chiều. Chốt phiên ngày 29/1, dầu thô Brent tăng 30 US cent hay 0,5% lên 59,81 USD/thùng, dầu thô Tây Texas WTI lại giảm 15 US cent hay 0,3% xuống 53,33 USD/thùng. Các hãng hàng không lớn như American Airlines, British Airways và Lufthansa đã đình chỉ tất cả các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Trung Quốc đại lục, nhu cầu nhiên liệu bay cũng giảm tại Châu Á do các hãng hàng không hủy chuyến.

Hầu hết các hàng hóa phụ thuộc vào tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu đã bị ảnh hưởng của việc bùng phát virus. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất thế giới đối với nhiều loại hàng hóa từ dầu thô, nhiên liệu tới đồng và quặng sắt.

Giá vàng thế giới tăng

Giá vàng thế giới tăng

Trong khi đó, vàng quay đầu tăng. Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.578,68 USD/ounce, sau khi giảm khoảng 0,92% trong phiên tuần trước.

Nguồn: AP, Blomberg, CNBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm