Kịp thời giúp sản phụ bị sa dây rốn, đờ tử cung được 'mẹ tròn con vuông'

11/08/2019 - 11:14
Trước tình trạng nguy cấp cứu bệnh nhân, bệnh viện đã chấp nhận bỏ qua quy trình chuẩn của chuyên môn là phải có xét nghiệm để đánh giá tình trạng người bệnh trước mổ.

Ngày 11/8, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Khoa Phụ (BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) cho biết, các bác sĩ của BV vừa cứu sống sản phụ Vũ Thị L. (28 tuổi, quê huyện Nam Trực, Nam Định) bị sa dây rốn, dây rốn bám màng, đờ tử cung khi sinh.

Trước đó, sản phụ được đưa đến BV cấp cứu trong tình vỡ ối, thai 37 tuần. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám và xác định, sản phụ chuyển dạ, con so, thai 37 tuần, ngôi đầu, ối vỡ sớm và sa dây rốn.

Theo các bác sĩ, sa dây rốn, đặc biệt khi có vỡ ối, còn tim thai thì đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Nếu không tiến hành phẫu thuật nhanh, xử trí đúng sẽ không cứu được thai nhi. Ngay sau đó, kíp trực đặt sản phụ nằm cáng và đẩy vào phòng mổ, đồng thời một nhân viên y tế đặt tay vào âm đạo sản phụ đẩy đầu thai nhi liên tục lên để tránh tình trạng kẹt dây rốn giữa đầu thai nhi và khung chậu người mẹ. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa khoa Sản, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, bỏ qua quy trình chuẩn của chuyên môn phải có xét nghiệm để đánh giá tình trạng người bệnh trước mổ, các bác sĩ phải chấp nhận rủi ro khi phẫu thuật người bệnh có thể có tai biến khi chưa có kết quả xét nghiệm.

 

sp.jpg
Các bác sĩ cấp cứu cho sản phụ

 

Sau 7 phút, kíp trực đã lấy ra em bé nặng 3kg khỏe mạnh. Kíp trực tiếp tục bóc rau và phát hiện bị dây rốn bám màng nên tiến hành bóc. Tuy nhiên, ngay sau bóc rau người bệnh lại xuất hiện tình trạng đờ tử cung, các bác sĩ vừa phải xoa bóp tử cung, khâu cầm máu phối hợp sử dụng các thuốc tăng co tử cung. Sau 20 phút, thì tử cung sản phụ đã co hồi được.

Theo Bộ Y tế, tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối. Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai sẽ chết trong vòng 30 phút. Trung bình, cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca mắc sa dây rốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn. Theo đó, về phía mẹ, những người sinh nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt gây các ngôi bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đạo. Về phía thai, các trường hợp gây sa dây rốn do ngôi thai bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tỳ vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi; sa một chi làm dây rốn sa theo.

Sa dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu oxy.

Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín. Khi cảm thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp về tình trạng sa dây rốn. Thai phụ không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm