Kỳ Đại hội đặc biệt

Hải Hòa - Phạm Thương
09/03/2022 - 10:49
Kỳ Đại hội đặc biệt

Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến - Ảnh: Hội LHPN tỉnh Bình Định

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 90 năm của Hội LHPN Việt Nam, Đại hội phụ nữ các cấp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với nhiều thách thức, trải nghiệm, Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026 là cú hích quan trọng đưa cán bộ, hội viên, phụ nữ vào các hoạt động chuyển đổi số.

Bỡ ngỡ trong lần đầu tiên

Cuối tháng 2/2021 là thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô. Phường Liễu Giai (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) được chọn là địa phương tổ chức Đại hội điểm bằng hình thức trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. "Chúng tôi triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho Đại hội trong tâm trạng thấp thỏm, vì có thể bị hoãn bất cứ lúc nào nếu dịch bùng phát mạnh. Ngày tổng duyệt đường truyền vẫn chưa thông, nói câu được câu mất. Suốt quá trình chuẩn bị cho đến ngày Đại hội chính thức, chị em đều bỡ ngỡ. Lần đầu tiên tổ chức Đại hội theo hình thức trực tuyến nên chỉ lo đường truyền trục trặc. Rất may, có sự chung tay và quyết tâm của tất cả các bộ phận, Đại hội đại biểu phụ nữ phường Liễu Giai lần thứ IV đã diễn ra thành công tốt đẹp, thông suốt các điểm cầu và không có sự cố nào", chị Nghiêm Thúy Trang, Chủ tịch Hội LHPN phường Liễu Giai, nhớ lại.

Kỳ Đại hội đặc biệt - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 15/12/2021

Không chỉ vậy, bối cảnh dịch bệnh đã khiến hoạt động Hội của phường Liễu Giai có nhiều đổi mới. Thực tế, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở thường nhiều tuổi, hạn chế trong tiếp cận, sử dụng các phương tiện công nghệ. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ Hội cơ sở đã nhanh chóng bắt nhịp, học cách sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến, kết nối qua mạng xã hội để triển khai hoạt động Hội.

Chạy xe từ xã mình sang xã bạn để… bắt tín hiệu dự Đại hội

Đó là trường hợp khá đặc biệt của Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Phù Cát (Bình Định). Theo chương trình, Phù Cát là huyện thứ hai của tỉnh tổ chức Đại hội phụ nữ cấp huyện. Thế nhưng vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Đại hội đã bị hoãn tới 4 lần, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6/2021 nhưng phải đến ngày 22/10 mới tổ chức được. Phù Cát trở thành huyện cuối cùng của tỉnh tổ chức Đại hội. Chị Phan Vân Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Cát, cho biết: "Mỗi lần lùi thời gian tổ chức như vậy phát sinh nhiều việc trong khâu tổ chức như gửi thư mời, trang trí, tổ chức gian trưng bày... Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi nhờ thợ in lại dòng ngày tháng năm diễn ra Đại hội để dán chồng lên phông cũ vì nếu in mới rất tốn kém. Ngoài ra, Đại hội còn có gian trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của hội viên. Khi Đại hội bị hoãn, chị em "dở khóc dở cười" chia nhau mang về nhà dùng một số sản phẩm tươi như rau, củ, quả. Lần sau, chúng tôi rút kinh nghiệm, nếu ngày mai Đại hội thì chiều tối hôm trước mới đưa sản phẩm về trưng bày. Nghĩ lại thấy vui mà cũng nhiều vất vả".

Thách thức chưa dừng lại ở đó. Trong ngày Đại hội chính thức, Đại hội có 1 điểm cầu bị trục trặc về đường truyền, không bắt được tín hiệu dù đã được kiểm tra kỹ càng từ chiều hôm trước. "Trước tình hình đó, tôi quyết định cho các chị ở điểm cầu xã Cát Thắng nhập chung với điểm cầu xã Cát Hưng. Vậy là các chị em phải buộc áo dài lên, lặn lội chạy xe từ xã mình sang xã bạn trong điều kiện trời mưa gió để dự Đại hội. Nhiều chị cán bộ Hội bảo: Từ khi làm công tác Hội đến giờ gần nghỉ hưu rồi mà chưa thấy kỳ Đại hội nào đặc biệt như kỳ này", chị Vân Oanh chia sẻ.

"Phép thử" về chuyển đổi số

"Làm Đại hội trực tuyến cảm giác giống như đi chiến đấu vậy đó. Chúng tôi luôn chuẩn bị tâm lý máy móc có thể gặp trục trặc và mình phải xử lý kịp thời. Mặc dù ban tổ chức Đại hội đã chuẩn bị kỹ càng đến từng chi tiết nhưng vẫn chưa thể yên tâm cho đến khi kết thúc Đại hội. Bởi vì việc tổ chức phụ thuộc nhiều về yếu tố đường truyền. Lần đầu tiên tổ chức Đại hội trực tuyến nên mọi người rất căng thẳng. Được sự hỗ trợ của Tỉnh uỷ, chúng tôi đã mời 3 chuyên gia kỹ thuật từ TPHCM về hỗ trợ. Đại hội 5 năm mới có một lần nên chị em luôn mong gặp nhau để trực tiếp trao đổi, giao lưu. Song, vì yêu cầu phòng, chống dịch nên chị em đành chào nhau qua màn hình trực tuyến. Thế nhưng không vì thế mà Đại hội bớt phần sôi nổi, không vì khó khăn mà hoạt động Hội bị gián đoạn".

Chị Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định

Tại tỉnh Bình Định, để thích nghi với tình hình dịch Covid-19, có 9/11 huyện đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2021-2026 theo hình thức trực tuyến. Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, cũng lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đại hội còn được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Định và livestream trên fanpage Hội LHPN tỉnh Bình Định.

Còn tại Đồng Tháp, 11/15 đơn vị cấp huyện và tương đương đã tổ chức Đại hội theo hình thức trực tuyến. Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cũng lần đầu tiên tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. "Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2021-2026, được diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân thực hiện "mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Vậy nên, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, thích ứng nhanh để tổ chức thành công Đại hội với cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là kỳ Đại hội chưa từng có tiền lệ do tác động bởi dịch bệnh Covid-19", chị Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Theo bà Thanh Bình, Đại hội trực tuyến đặt ra rất nhiều thách thức đối với đội ngũ cán bộ Hội. Đó là việc tổ chức lấy ý kiến đại biểu đóng góp vào văn kiện Đại hội khi không thể tổ chức thảo luận tổ, nhóm đại biểu như hình thức trực tiếp. Bên cạnh đó là công tác đại biểu khi số lượng đại biểu chính thức được triệu tập vắng nhiều vì bị nhiễm Covid-19 hoặc liên quan đến F0. Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Hội đã phân bổ số lượng đại biểu dự khuyết tăng thêm so với điều kiện bình thường, tránh trường hợp vắng đại biểu thay thế trong Đại hội. Ngoài ra, hoạt động tuyền truyền về Đại hội bị giới hạn, nhất là các gian hàng trưng bày sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, đơn vị. Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã khắc phục bằng cách tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền.

Tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ đã làm nên thành công của Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cùng hướng tới ngày hội lớn của phụ nữ cả nước. Những trải nghiệm của kỳ Đại hội đáng nhớ này thực sự là một "phép thử" trong việc ứng dụng công nghệ số vào xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.

Gần 13 nghìn đại hội phụ nữ các cấp đã thành công tốt đẹp, trong đó 158 đại hội cấp huyện và 22 tỉnh/thành phố được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm