pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Việt Nam hội nhập quốc tế
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn "Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới" do Hội LHPN Việt Nam và Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng tổ chức, tháng 3/2021
Hội nhập quốc tế là quyết sách chiến lược của Việt Nam, được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng, giúp Việt Nam tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế và nâng cao vị thế, vai trò trong khu vực và thế giới. Trong quá trình hội nhập của đất nước, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam những năm qua liên tục được tăng cường, đổi mới. Quan hệ song phương và đa phương của Hội được thúc đẩy, đa dạng hóa thông qua hoạt động hữu nghị hợp tác với phụ nữ các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, các nước đối tác chiến lược, các nước có kinh nghiệm về phát triển, bình đẳng giới. Hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ của 24/25 tỉnh giáp biên ký kết với đối tác cùng cấp của các nước láng giềng, tăng 5 tỉnh so với năm 2017. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia hiệu quả trong các diễn đàn, cơ chế đa phương1; tổ chức nhiều diễn đàn quốc tế về phụ nữ và bình đẳng giới được quốc tế đánh giá cao. Phát huy thế mạnh của tổ chức về giới, Hội tích cực tham gia xây dựng kế hoạch, thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt các cam kết về phụ nữ, bình đẳng giới. Hội tăng cường tuyên truyền đối ngoại hai chiều, quan tâm tham gia đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần vận động bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta về những vấn đề như chủ quyền biên giới biển, đảo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, giới thiệu nét đẹp truyền thống của Việt Nam, văn hoá các nước như: Tổ chức chuỗi sự kiện tôn vinh Áo dài Việt Nam ở trong và ngoài nước. Báo Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà Xuất bản Phụ nữ, Học viện Phụ nữ tích cực phát huy vai trò trong giao lưu, quảng bá văn hóa.
Trong vận động nguồn lực, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chuyển cách tiếp cận từ hỗ trợ một chiều sang quan hệ đối tác, hợp tác trong các lĩnh vực mới. Công tác phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và hỗ trợ phụ nữ trong giao dịch có yếu tố nước ngoài được triển khai với nhiều hoạt động cụ thể.
Công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế gần đây được Hội đặc biệt chú trọng. Phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn để thích ứng với hội nhập quốc tế và chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình hội nhập như di cư không an toàn, lừa đảo trên mạng… Trước thực tế đó, tháng 1/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ để tham gia, đóng góp vào tiến trình hội nhập với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên 3 lĩnh vực: Văn hoá, xã hội và khoa học-công nghệ; kinh tế; an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đoàn thể đầu tiên ban hành Nghị quyết hỗ trợ hội viên hội nhập quốc tế, thể hiện sự chủ động trong mở rộng nội hàm công tác đối ngoại thành đối ngoại và hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Có được kết quả này là nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn bám sát chủ trương về đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Hội luôn lấy quyền, lợi ích của phụ nữ làm kim chỉ nam trong các hoạt động đối ngoại. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhanh nhạy học tập kinh nghiệm, xu hướng mới của các nước trong phát triển cộng đồng và trao quyền cho phụ nữ. Ví dụ, Hội đã học tập kinh nghiệm mô hình Grameen Bank2 để trở thành tổ chức đi đầu trong tài chính vi mô; áp dụng kinh nghiệm phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em của các nước (Australia, Hàn Quốc…).
Thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, kinh tế, chính trị. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế được xác định là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược. Các cấp Hội trên cả nước sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng môi trường thuận lợi để phụ nữ chủ động hội nhập và thụ hưởng xứng đáng từ quá trình hội nhập của đất nước.
1 Hội là thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ ASEAN, có Quy chế tư vấn đặc biệt tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đầu mối về bình đẳng giới của Việt Nam trong Kế hoạch Colombo và tham gia Mạng lưới các Trung tâm dịch vụ xã hội ASEAN (NOSSA).
2 Băng-la-đét