Mốc son các kỳ đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc

PV
09/03/2022 - 07:48
Mốc son các kỳ đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

Trải qua 12 kỳ đại hội với những mốc son khác nhau, Hội LHPNVN đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong đời sống kinh tế xã hội...

Đại hội lần thứ I

- Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19/4/1950 tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Đại hội đã thông qua những vấn đề lớn của tổ chức Hội như: Các Quyết nghị về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội Phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ và bảo vệ hòa bình dân chủ; Chương trình, Điều lệ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tuyên ngôn, Hiệu triệu gửi toàn thể phụ nữ Việt Nam.

Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác của Hội.

Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đã hợp nhất Đoàn phụ nữ Cứu quốc và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức duy nhất của phụ nữ, lấy tên là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ II

- Diễn ra từ ngày 26 đến ngày 31/5/1956 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đề ra 5 Chương trình hoạt động trong thời kỳ 1956-1960 là: Đoàn kết phụ nữ cả nước để cùng toàn dân phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; Thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng hoàn toàn phụ nữ; Nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho phụ nữ; Mở rộng các hoạt động xã hội để nâng cao đời sống của phụ nữ và nhi đồng; Đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thập được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội lần thứ III

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961 Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961 - Ảnh tư liệu

 - Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/3/1961, tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đã phát động phong trào thi đua "5 tốt" và đề ra 3 nhiệm vụ lớn cho phong trào phụ nữ Việt Nam là: Tăng cường đoàn kết tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa, đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở miền Bắc lên trình độ cao hơn, sâu sắc và triệt để hơn; Kiên quyết cùng toàn dân đấu tranh giành hòa bình thống nhất nước nhà; Tăng cường đoàn kết hữu nghị với phụ nữ thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thập tiếp tục được bầu làm Hội trưởng.

* Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam

Ngày 8/3/1965 trong vùng căn cứ địa Dương Minh Châu- miền Đông Nam bộ, tại khu rừng gần trảng Tà-Xia giáp giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia.

Đại hội có khoảng 200 đại biểu chính thức thay mặt cho 2 triệu hội viên đủ các thành phần.

Bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Hội trưởng.

Đại hội lần thứ IV

- Diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7/3/1974, tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đề ra 6 nhiệm vụ trong nhiệm kỳ là: Xây dựng người phụ nữ xã hội chủ nghĩa làm tốt nghĩa vụ đối với Tổ quốc, xã hội và gia đình; Vận động phụ nữ tham gia phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng Chủ nghĩa xã hội; Cùng các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân chăm lo quyền lợi, đời sống, sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, hướng dẫn tổ chức tốt gia đình; Làm tròn nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, cùng các tầng lớp nhân dân ra sức đấu tranh giữ vững hoà bình, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc; Tăng cường đoàn kết hữu nghị với phụ nữ các nước trên thế giới, đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, cho quyền lợi phụ nữ và trẻ em; Củng cố tổ chức Hội, ra sức đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, cải tiến sự chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội.

Bà Hà Thị Quế được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (phải) đón đồng chí Nguyễn Thị Định (trái) và đoàn đại biểu Hội LHPN Giải phóng miền Nam tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV, năm 1974 Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (phải) đón đồng chí Nguyễn Thị Định (trái) và đoàn đại biểu Hội LHPN Giải phóng miền Nam tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV, năm 1974 - Ảnh tư liệu

 * Hội nghị thống nhất tổ chức phụ nữ hai miền Nam - Bắc

Hội nghị diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12/6/1976, tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong 3 ngày làm việc, Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó quyết định lấy tên Hội là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Cơ quan lãnh đạo Trung ương Hội là hợp nhất hai Ban Chấp hành Trung ương hai miền, gồm 114 uỷ viên; Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 30 uỷ viên; bà Nguyễn Thị Thập làm Chủ tịch danh dự; bà Hà Thị Quế làm Chủ tịch Hội; bà Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch thứ nhất và các Phó Chủ tịch khác.

Đại hội lần thứ V

- Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20/5/1982 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ là: Đoàn kết, giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy vai trò làm chủ tập thể và ý chí phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng; Tiếp tục phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được phát động tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội IV năm 1978; Chăm lo những vấn đề phúc lợi và đời sống của phụ nữ, tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới; Củng cố tổ chức Hội, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ; Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội.

Bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ VI

- Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20/5/1987 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội nhấn mạnh 8 nội dung phụ nữ cần thực hiện trong công cuộc Đổi mới, đó là: Giáo dục xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa; Động viên phụ nữ tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6, trọng tâm là 3 chương trình kinh tế lớn; Tham gia xây dựng, kiểm tra giám sát việc thực hiện những chính sách, chế độ và điều kiện lao động và sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em; Làm tốt công tác hậu phương; Vận động, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ phát huy vai trò người mẹ, góp phần xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt; Tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương thức hoạt động; Xây dựng củng cố cơ sở Hội.

Bà Nguyễn Thị Định tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ VII

- Diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/5/1992 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đề ra mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ của phong trào phụ nữ 5 năm 1992-1997 và 5 chương trình công tác trọng tâm là: Bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho phụ nữ; Hỗ trợ các hoạt động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ; Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ trẻ em, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và giáo dục gia đình; Đổi mới tổ chức bộ máy và cán bộ, tập hợp quần chúng và xây dựng quỹ Hội; Tổ chức nghiên cứu và vận động quần chúng tham gia xây dựng, giám sát, kiểm tra chính sách, luật pháp, cơ chế mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi phụ nữ. Nghiên cứu một số vấn đề về gia đình.

Bà Trương Mỹ Hoa, Bí thư Trung ương Đảng, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ VIII

- Diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20/5/1997 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội nhất trí thông qua "Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ, chương trình hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1997-2002". Đại hội phát động phụ nữ cả nước thực hiện 2 phong trào thi đua yêu nước: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc"; "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước".

Bà Trương Mỹ Hoa tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. phiên họp thứ nhất của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X (diễn ra từ ngày 18/9 đến 29/9/1997) đã bầu bà Trương Mỹ Hoa giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Bà Trương Mỹ Hoa thôi giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam để sang chuyên trách công tác Quốc hội.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kỳ họp thứ 2, khoá VIII, được tổ chức từ ngày 10 đến 13/1/1998 đã bầu bà Hà Thị Khiết làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ IX

- Diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23/2/2002 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đã phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và đề ra 6 chương trình trọng tâm là: Giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt của phụ nữ; Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng nam - nữ; Tăng cường và phát triển hoạt động đối ngoại nhân dân.

Bà Hà Thị Khiết tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ X

- Diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4/10/2007 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội quyết định tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu; Tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh; Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế vì bình đẳng, phát triển và hoà bình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ XI

- Diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/3/2012 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội tiếp tục phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời triển khai sâu rộng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang".

Đại hội thông qua 3 khâu đột phá; 6 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp lớn của nhiệm kỳ 2012-2017.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa XI ngày 8/4/2016, bà Nguyễn Thị Thu Hà được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đại hội lần thứ XII

- Diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/3/2017 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội xác định 7 chỉ tiêu chủ yếu, 2 khâu đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm giải pháp lớn; tiếp tục phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; đồng thời triển khai sâu rộng 2 cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và "Rèn luyện các phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.

Tháng 4/2020, bà Nguyễn Thị Thu Hà được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Từ tháng 5/2020, bà Hà Thị Nga được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022.

(Theo Biên niên lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập 1, tập 2, NXB Phụ nữ; hoilhpn.org.vn)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm