Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/5

17/05/2019 - 17:06
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 20/5. Kỳ họp lần này kéo dài 20 ngày, trong đó có 12 ngày làm việc liên quan đến vấn đề lập pháp, hơn 2 ngày cho hoạt động chất vấn.

Theo đó, kỳ họp này sẽ khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến có 20 ngày làm việc, bế mạc vào ngày 14/6. Trong đó, Quốc hội dành 12 ngày để bàn thảo các vấn đề lập pháp, có 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và 5,5 ngày cho các vấn đề quan trọng khác.

 

img_1073.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: D.H

Về vấn đề lập pháp, kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự luật khác.

Cụ thể, 7 dự án luật và 2 nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua bao gồm: Luật giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến bao gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đâu là vấn đề trọng tâm của kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết: Trọng tâm của kỳ họp lần này vẫn là tập trung các vấn đề lập pháp. Kỳ họp này sẽ thông qua 7 dự luật và 2 Nghị quyết, cho ý kiến vào 9 luật khác. Thời gian còn lại sẽ dành cho các hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng của đất nước

Liên quan đến hoạt động chất vấn, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở các ý kiến bức xúc, dự kiến sẽ đề xuất và chọn ra 4 nhóm vấn đề, thành viên Chính phủ nào liên quan thì sẽ được phân công trả lời. Nội dung cụ thể của các nhóm vấn đề vẫn đang trong quá trình chọn lựa.

Tuy nhiên, để nội dung chất vấn được hiệu quả nhất, Văn phòng Quốc hội sẽ đề nghị các Ủy ban, các đoàn giám sát đề xuất vấn đề “nóng” để chất vấn, trên cơ sở đó tập hợp lại để chọn lựa nội dung.

“Bốn nhóm vấn đề nhưng khi tập hợp có thể lên đến vài chục nội dung, chúng tôi sẽ tham mưu để có 6 - 7 nhóm, sau đó sẽ lấy ý kiến bằng bảng biểu với đại biểu. Nội dung nào được đại biểu lựa chọn nhiều thì sẽ lấy đây làm căn cứ để quyết định các vấn đề chất vấn” - ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi hoạt động chất vấn kết thúc, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về việc chất vấn các vấn đề đã được đưa ra, để cuối nhiệm kỳ lại tiến hành chất vấn lại, cứ tiếp tục cho đến khi nào vấn đề được giải quyết thì mới dừng lại” - ông Phúc cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm