Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hồ Chí Minh và con đường giải phóng phụ nữ

TS Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
05/06/2021 - 08:23
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hồ Chí Minh và con đường giải phóng phụ nữ

Ảnh tư liệu

Ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài tìm đường cứu nước bằng cách làm thuê cho một chiếc tàu buôn của Pháp. Tài sản không có, kiến thức chưa nhiều, hành trang Nguyễn Tất Thành mang theo chỉ là lòng yêu nước, thương nhà cháy bỏng.

Suốt những năm tháng làm thuê theo tàu đi khắp các nước châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latin, Nguyễn Tất Thành mở mang nhận  thức rất nhiều và Anh nhận thấy: ở đâu bọn thưc dân cũng tàn bạo tham lam, ở đâu cũng có người bị bóc lột và kẻ đi bóc lột, ở đâu người dân mất nước cũng khổ cực như nhau. 

Anh nhận rõ giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Sau này, Anh đã khái quát thành một chân lý:

"Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản". (1)

Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18/6/1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Vécxây (Versailles, Pháp). Tổng thống Mỹ U.Uynxơn (Woodrov Wilson) đề ra Chương trình 14 điểm, gọi là" Chương trình hòa bình toàn diện".

Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc mang Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây. Trong đó, đặc biệt có 2 điều: Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu và thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật

Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được hội nghị xem xét, Qua đó, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết:

"Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn" (2) và "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình".(3)

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) : Hồ Chí Minh và con đường giải phóng phụ nữ - Ảnh 1.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. Ảnh tư liệu

Hoạt động ở Pháp, viết các bài báo lên án chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt lên án sự bóc lột của bè lũ thực dân với phụ nữ. Trong bài viết "Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp", đăng trên Le Paria năm 1922, Người tố cáo: "Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa". (4)

Sau khi đọc được Luận cương của Lênin về giải phóng dân tộc, từ người yêu nước tìm được Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người khẳng định: "Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc". (5)

Năm 1923, từ nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử sang Liên Xô dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản.  Ở đây, Nguyễn Ái Quốc được trực tiếp nghiên cứu Chủ nghĩa Xã hội hiện thực, tìm hiểu về thành tích của nước Nga Xôviết, về sự giúp đỡ của nước Nga với các dân tộc thuộc địa, Người nhận xét về sự ưu việt của nước Nga:

"Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con". (6)

Năm 1924, từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc nhận xét về Cách mạng Tháng Mười Nga: "Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn". (7)

Năm 1930, triệu tập các tổ chức cộng sản Việt Nam họp ở Hồng Kông để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định: làm Dân tộc cách mạng và Thổ địa cánh mạng để đi tới xã hội cộng sản. Như thế, Người đã xác định Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là con đường duy nhất để giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Năm 1941, trong bài thơ tuyên truyền Mười chính sách của Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hình dung xã hội mới sẽ xây dựng ở Việt Nam là: "Đàn bà cũng được tự do. Bất phân nam nữ cũng cho bình quyền". (8)

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) : Hồ Chí Minh và con đường giải phóng phụ nữ - Ảnh 2.

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu

Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton khi nghiên cứu kỹ bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, bà phát hiện ra khi trích Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa đi một từ, mà sự sửa ấy đã thay đổi từ quyền bầu cử của đàn ông (là chỉ đàn ông da trắng và có tài sản) thành của Mọi người - tức là phụ nữ cũng có quyền bầu cử. (9)

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ngay từ khi thành lập đã xác định Nam Nữ bình quyền. Nhà nước trao cho phụ nữ mọi quyền bình đẳng như nam giới và áp dụng mọi chính sách để triệt để giải phóng phụ nữ. 

Thế là sau 34 năm, kể từ ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, con đường Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH do Nguời tìm thấy, đã biến ước vọng giải phóng phụ nữ trở thành hiện thực: dân tộc được giải phóng và phụ nữ cùng được giải phóng. 

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), nhớ về Bác, các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn ghi tâm, tích cực phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời khen của Bác: "Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ". (10)

------

1, Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.287

2, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 441

3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H, 1975, tr.33

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.114

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.496

6. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.68

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.7

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.243

9. Sự kiện và nhân chứng, số 7/2001

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.340

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm