pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá
![Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/17/1-1739765830451169140737-96-0-1697-2561-crop-173976718631916545883.jpg)
Bộ đội Biên phòng phối hợp tuần tra cột mốc trên địa bàn xã Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)
Tiếp bước cha bảo vệ biên cương
Thiếu tá Vương Trọng Hùng là con út trong gia đình có 5 người con. Noi theo gương của bố, học hết lớp 12, anh Hùng xin nhập ngũ, sau đó học tiếp trung cấp Biên phòng.
"Học xong, tôi về công tác ở Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận rồi chuyển qua nhiều đơn vị như: Đồn Biên phòng Đồng Văn, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, rồi Đồn Biên phòng Bạch Đích. 3 năm nay, tôi lại về công tác tại Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận.
Ở mảnh đất nơi cha đã ngã xuống, tôi đã có 23 năm gắn bó với công tác biên phòng. Tôi mong các con của tôi sau này sẽ chọn theo nghiệp lính Biên phòng, tiếp nối truyền thống gia đình, góp sức bảo vệ biên giới quê hương", Thiếu tá Vương Trọng Hùng nói.
sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Thuận, Thiếu tá Sùng Minh Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, là người dân tộc Mông. Cha của anh, Sùng Thìn Cò, từng là người Đồn trưởng vào sinh ra tử, gan dạ, mưu chí chỉ huy Đồn đánh nhiều trận ác liệt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
![Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá- Ảnh 1. Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/17/img6391-17397658432641316440878.jpg)
Bộ đội Biên phòng bên mốc 325 do Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận quản lý
Hơn 20 năm qua, người con trai Sùng Minh Phúc lại tiếp bước cha mình góp sức bảo vệ biên giới. "Tôi vẫn nhớ, do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh biên giới phía Bắc, nhiều lần tôi phải cùng người thân trốn vào hang đá khi có súng đạn của địch bắn sang. Mẹ tất tả đưa chị em tôi di chuyển về tuyến sau để đảm bảo an toàn. Mãi đến năm 1990, gia đình tôi mới trở về quê hương".
Bố thường xuyên vắng nhà, thấy mẹ lam lũ nuôi 7 chị em, Sùng Minh Phúc quyết tâm đi học. 11 tuổi mới đi học lớp 1, đến năm 15 tuổi, Phúc học hết cấp 2 rồi học tiếp cấp 3 ở trung tâm giáo dục thường xuyên tại huyện Quản Bạ. Tốt nghiệp cấp 3, anh nhập ngũ, sau đó đỗ vào Học viện Biên phòng.
"Là cán bộ Biên phòng người dân tộc thiểu số, tôi thuận lợi là có cùng tiếng nói với bà con dân tộc Mông và Nùng. Khi bà con có công việc hay gặp khó trong cuộc sống mà cần hỗ trợ, tôi có thể phân tích, giải thích để bà con hiểu. Hơn nữa, nhìn thấy tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở đây, từng bước vươn lên, bà con cũng dễ nghe theo", Thiếu tá Sùng Minh Phúc bộc bạch.
Bám bản, tích cực phát triển kinh tế
Chung tay với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương gìn giữ biên cương còn có những người dân quyết tâm bám bản, hăng say lao động sản xuất.
![](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/17/screenshot20250217145159gallery-1739778795688476696839.jpg)
Thiếu tá Vương Trọng Hùng (Trạm kiểm soát biên phòng - Đồn biên phòng Nghĩa Thuận) tiếp bước người cha là liệt sĩ bảo vệ biên cương
Chị Hạng Thị Sò, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thuận, tự hào nói: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, là người sinh ra sau chiến tranh. Tôi may mắn được học hành, có cuộc sống bình yên, nên luôn biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh để gìn giữ quê hương".
Chị Sò cho biết, nhiều năm qua chị luôn tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ trên địa bàn thực hiện tốt công tác Hội. Các phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo đã đem lại sự đổi thay cho nhiều gia đình hội viên.
Không chỉ có cuộc sống ổn định, chị em còn biết chăm sóc sức khoẻ bản thân, chăm sóc, nuôi dạy con tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, dần nâng cao nhận thức, góp sức phát triển vùng đất biên cương này.
Tất bật với chuồng trại nuôi gia súc và mấy chục gốc hồng, mận sau vườn nhà, chị Cao Thị Huy, người dân tộc Nùng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Pả Láng, xã Nghĩa Thuận, hồ hởi cho biết: "Tôi cũng như 65 hội viên trong thôn và người dân trong xã đều yêu quý mảnh đất này.
![Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá- Ảnh 3. Kỷ niệm 46 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những "cột mốc sống" ở cao nguyên đá- Ảnh 3.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/17/2-1739765830467477576928.jpg)
Chị Hạng Thị Sò, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thuận, hỗ trợ gia đình hội viên thu hoạch cà chua
Dẫu ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn nhưng nếu chịu khó học hỏi cách làm kinh tế, tổ chức cuộc sống gia đình thì mọi nhà đều tốt lên thôi, con cái sẽ tiến bộ. Chúng tôi cùng góp sức xây dựng mảnh đất này, xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới".
Thiếu uý Lý Thái An, Đội trưởng Đội vận động quần chúng - Đồn biên phòng Nghĩa Thuận, đưa chúng tôi thăm Nhà bia tưởng niệm 55 liệt sĩ đã ngã xuống vì mảnh đất này trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, chàng thiếu uý trẻ Lý Thái An tâm sự: "So với quê em ở Cao Bằng thì cuộc sống của bà con nơi đây khó khăn hơn rất nhiều. Em chỉ mong trong thời gian công tác ở Đồn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ được nhiều bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, giảm tỉ lệ hộ nghèo.
Đây là cách tri ân những Anh hùng, liệt sĩ và cũng là nhiệm vụ của người lính Biên phòng, góp sức cùng người dân gìn giữ, bảo vệ biên cương".