Kỷ niệm Ngày TBLS 27-7: Hũ gạo nuôi quân ấm lòng người chiến sĩ

26/07/2017 - 07:20
Hưởng ứng phong trào “Hũ gạo nuôi quân”, bà mẹ Vĩnh Long đã tiết kiệm gạo của gia đình, vay gạo của bà con làng xóm để luôn có sẵn lương thực trong nhà, dành cho những người con giải phóng có gạo ăn và mang đi chiến đấu.
Chiếc hũ màu da lươn, trang trí các đường gờ nổi và các vòng tròn có hình đồng tiền chồng nối tiếp lên nhau này cũng giống như bao chiếc hũ đựng gạo của các gia đình nông thôn Việt Nam. Trong kháng chiến, chiếc hũ đơn sơ này đã góp phần không nhỏ để đội quân cách mạng ăn no đánh giặc.  Đó là chiếc hũ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mười sinh năm 1923 ( ấp Trung Hòa 2, xã Trung An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) dùng đựng gạo nuôi quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ Mười đã tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ tuổi. Năm 14 tuổi, mẹ Mười đã đi làm giao liên. Năm 15 tuổi, mẹ bị bắt khi đang đưa cán bộ qua khu vực của ấp. Mẹ bị bắt giam tại bốt Vĩnh Long 7 tháng rồi được tha về vì còn nhỏ tuổi. Từ khi được tha về mẹ lại tiếp tục làm công tác giao liên và một số công việc khác.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thời kì từ năm 1962 đến năm 1968, mẹ được bầu làm trưởng hội chi chiến sĩ của ấp. Mẹ đã tích cực vận động chị em phụ nữ trong ấp giúp đỡ, ủng hộ bộ đội, ủng hộ kháng chiến. Bản thân mẹ luôn gương mẫu trong mọi hoạt động đặc biệt là trong phong trào “hũ gạo nuôi quân”. Mỗi lần lấy gạo nấu cơm, mẹ lại bốc 3 nắm gạo vào hũ. Chiếc hũ này đã được mẹ Mười dùng đựng gạo nuôi quân từ năm 1964 đến năm 1968.
img_7501-s18.JPG Hũ gạo nuôi quân của mẹ Mười đang được lưu giữu tại Bảo tàng Phụ nữ VN
 
Để có nhiều lương thực hơn nữa để cung cấp cho bộ đội, mẹ Mười đã đứng ra  vay thóc của những gia đình có của ăn của để trong ấp, rồi mẹ dự trữ sắn trong nhà, để khi bộ đội đến là có gạo ăn và gạo mang đi. Vì số thóc vay nhiều, nên đến tận năm 1975, gia đình mẹ mới trả hết nợ.
Phong trào “hũ gạo nuôi quân” tồn tại đến hết năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1975, mẹ Mười tiếp tục thực hiện và vận động chị em phụ nữ trong ắp thực hiện phong trào “Con gà, cây chuối, liếp rau” kháng chiến. Mẹ cùng các chị em nuôi gà, trồng chuối, trồng rau bán lấy tiền ủng hộ kháng chiến. Hội phụ nữ thường thu tiền vào các dịp 8/3, 20/10. Từ năm 1975 khi miền Nam được giải phóng, mẹ quay về lo làm ruộng, chăm sóc gia đình.
Mẹ Nguyễn Thị Mười lấy chồng khi 21 tuổi, mẹ sinh được 7 người con ( 2 gái, 5 trai), ba người con trai của mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1994, mẹ Nguyễn Thị Mười đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chiếc hũ đựng gạo được mẹ sử dụng để đựng gạo ngon, gạo nếp để dành cho các ngày giỗ Tết trong gia đình, trước khi trao tặng cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm