Kỳ tích cứu bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ kèm đa chấn thương nặng

30/11/2017 - 21:29
Bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ, một bệnh lý hiếm gặp với nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị đa chấn thương, gồm gãy xương đùi, gãy hở xương cẳng chân trái nhưng đã được các bác sĩ cứu sống.
Ngày 30/11, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhân H.N.S. (38 tuổi, quê ở Nghệ An) bị vỡ eo động mạch chủ, chấn thương động mạch thân cánh tay đầu. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị gãy xương đùi, gãy hở xương cẳng chân trái.

Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, rút ống nội khí quản, huyết động ổn định, ăn uống được. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi về tim mạch sau đó sẽ được mổ điều trị gãy xương đùi.

anh-ca-v-eo-mc-bn-sn-39-t-p17-1024x1024.jpg
Các bác sĩ BV Việt Đức can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân S.


Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Theo bác sĩ Ước, bệnh nhân S. ngoài bị thương tổn vỡ eo động mạch chủ cấp tính, còn bị đa chấn thương rất nặng. Cụ thể, bệnh nhân bị tràn máu số lượng nhiều ở hai màng phổi do vỡ eo động mạch chủ, gãy cẳng chân trái hai đoạn với 1 trong 2 chỗ là gãy hở…

Theo bác sĩ Ước, vỡ eo động mạch chủ là một bệnh lý rất hiếm gặp ở Việt Nam, hầu hết do tai nạn giao thông nặng. Do mất máu nặng, nên đa số trường hợp vỡ eo động mạch chủ cấp tính bị tử vong ngay sau tai nạn.

Tình trạng của bệnh nhân S. khi đó nguy kịch. Nguy hiểm nhất là cần can thiệp điều trị ngay thương tổn vỡ eo động mạch chủ. Tuy nhiên theo bác sĩ Ước, nếu phẫu thuật mở theo cách thông thường thì nguy cơ tử vong lên đến 90%. Nguyên nhân là bởi rất khó tiếp cận vào thương tổn vỡ eo và sẽ xảy ra tình trạng rối loạn đông máu rất nặng sau mổ.
 
anh.jpg
Chăm sóc bệnh nhân S. sau phẫu thuật


Trước tình trạng đó, BV đã quyết định can thiệp nội mạch đặt stent vào trong lòng động mạch chủ qua chọc động mạch đùi mà không cần phẫu thuật (đặt stentgraf). Đồng thời, dẫn lưu màng phổi hai bên rồi mổ cố định gãy xương cẳng chân và bột đùi căng bàn chân.

Tiếp đó, BV mổ mở xử trí tổn thương giả phồng thân động mạch cánh tay đầu qua đường mở nửa trên xương ức và cổ phải để thay đoạn động mạch thương tổn bằng mạch nhân tạo.
 
Bác sĩ Ước cho biết, phương pháp can thiệp stent-graf động mạch chủ là một giải pháp hạn chế rủi ro, do thủ thuật đơn giản hơn so với mổ mở. Người bệnh hầu như không bị mất máu trong quá trình can thiệp, không gây biến chứng các cơ quan và kiểm tra được tình trạng bệnh nhân ngay sau mổ. Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật này trong cấp cứu không phải nơi nào cũng có thể làm được.

“Thành công này chứng tỏ trình độ của đội ngũ thầy thuốc BV Việt Đức ngày càng được nâng lên và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao”, bác sĩ Ước nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm