Lâm Đồng chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

Ân Thư
29/12/2024 - 08:01
Lâm Đồng chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số

Hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giúp nhiều phụ nữ có công việc và thu nhập ổn định

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã giúp chị em có công việc với nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tăng cường đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ

Hội LHPN xã Gia Hiệp (Di Linh, Lâm Đồng) hiện có 10 cơ sở hội với gần 1.800 hội viên, trong đó có hơn 400 chị là người dân tộc thiểu số (DTTS). Chị Nguyễn Thị Hoa Lư, Chủ tịch Hội LHPN xã Gia Hiệp cho biết, phần lớn hội viên phụ nữ xã sản xuất nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm, trồng cà phê, tiêu, các loại cây hoa màu, xen canh các loại cây ăn quả, bắp, đậu các loại. Những năm trước, đời sống của chị em, nhất là phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hội đã phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm giúp chị em có thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của địa phương.

Trong năm 2024, Hội LHPN xã đã phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã tổ chức 1 lớp học nghề trang điểm, chăm sóc sắc đẹp cho 34 phụ nữ, trong đó có 19 chị là người DTTS. Kết thúc khóa học, các chị được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, trong đó có 3 chị tiếp tục theo học lớp nâng cao. Chị Ka Dù A Phòng, ở thôn 2, xã Gia Hiệp, chia sẻ: "Sau khi đạt chứng chỉ nghề, tôi tiếp tục học thêm các khóa nâng cao, từ đó có thêm kiến thức về lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, tự tin hơn khi mở một tiệm trang điểm nhỏ tại nhà, phục vụ cho chị em trong khu vực, tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình".

Lâm Đồng chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Các học viên lớp học nghề trang điểm, chăm sóc sắc đẹp tại xã Gia Hiệp nhận chứng chỉ tốt nghiệp sau khóa học

Theo Hội LHPN huyện Di Linh, trong năm 2024, các cấp Hội ở huyện đã phối hợp với UBND xã, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 6 lớp học nghề về chăm sóc tóc, móng, trang điểm, nấu ăn cho gần 200 học viên là hội viên, phụ nữ; vận động 203 hội viên, phụ nữ tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi dê, gà, trồng dâu nuôi tằm, chăm sóc cây sầu riêng...

Bên cạnh đó, hoạt động giới thiệu việc làm cho chị em cũng được tổ chức Hội quan tâm. Hội tích cực tuyên truyền rộng rãi thông tin tuyển dụng, giới thiệu nhu cầu tuyển dụng, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, kết nối các chị em với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, qua đó giúp nhiều chị em có việc làm thường xuyên.

Điển hình như Tổ phụ nữ cạo vỏ lụa hạt điều (tại thôn 1, xã Gia Hiệp) đã giúp hơn 80 chị em có thu nhập bình quân từ 800.000 - 1.500.000 đồng/tháng hay 3 nhóm móc len thủ công tại xã Gia Hiệp có hơn 20 chị tham gia với thu nhập trung bình từ 1.300.000 đến 5.000.000 đồng/tháng. Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Qua đó, hội viên phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng đã có nhiều cơ hội được đào tạo nghề, có việc làm ổn định thu nhập.

Giải pháp giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS luôn được tỉnh Lâm Đồng quan tâm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo… Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, thực hiện các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 330.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 60%, tỷ lệ lao động sau khi đào tạo có việc làm đạt trên 80%. Cùng với đó, vấn đề giải quyết việc làm cũng được chú trọng. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tận các xã, thôn khó khăn, vùng DTTS nhằm giúp người lao động có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp tuyển dụng để tìm kiếm việc làm theo đúng nguyện vọng.

Lâm Đồng chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc thiểu số sau khi học nghề mạnh dạn hơn trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 213 ngàn lượt lao động, trong đó người DTTS chiếm 2%. Trong năm 2024, số lao động được giải quyết việc làm là 28.500 lượt, tăng 2.900 lượt so với năm 2023. Hiện nay, có 83% lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ; trên 86% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến.

Theo bà Cil Bri – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, với việc được tiếp cận các chương trình dạy nghề, nhiều người DTTS, nhất là phụ nữ đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp họ tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Điều này không chỉ giúp tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho phụ nữ, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong công tác giảm nghèo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm