Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển du lịch

Hoàng Thủy
23/12/2024 - 14:13
Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển du lịch

Du khách đến dự lễ hội tại nhà văn hóa Tà Hine

Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Hine (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của cộng đồng với mục tiêu vừa bảo tồn văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, vừa tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương.

Từ năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Đức Trọng xây dựng mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Hine. Đây là những chương trình thuộc nội dung Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nhận thấy những giá trị của việc bảo tồn văn hóa các dân tộc truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ rất hữu ích cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở địa phương, lãnh đạo huyện Đức Trọng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện.

Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Công trình nhà văn hóa ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Bà Nguyễn Thị Xuân Uyên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng, cho biết: “Kể từ khi xây dựng mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển du lịch ở xã Tà Hine, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều nội dung thiết thực, như: Tổ chức lớp tập huấn cho gần 200 già làng, trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân cao tuổi và thành viên các CLB Cồng chiêng của các xã Tà Hine, Tà Năng, Đà Loan, Đa Quyn.

Thông qua lớp tập huấn này, các học viên đã được trang bị những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa và sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; mục tiêu và những nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca dân vũ, dân nhạc và việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Churu trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo; kỹ năng giao tiếp với du khách, cách làm du lịch cộng đồng… 

Cùng đó, trong năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng cũng phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống”.

Mặc dù phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng mô hình này cũng góp phần phát huy được những giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa khá tốt, tạo ra không gian cho cộng đồng được tập luyện, phục dựng và bảo tồn văn hóa Cồng chiêng. Đồng thời đó là các làn điệu dân ca, dân vũ rất độc đáo, được chính người dân trong cộng đồng đánh giá cao”

Lâm Đồng: Hiệu quả từ mô hình nhà văn hóa gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Người dân tộc bản địa ở xã Tà Hine biểu diễn tiết mục văn hóa truyền thống

Kể từ khi có mô hình nhà văn hóa truyền thống trên địa bàn, lãnh đạo UBND xã Tà Hine cũng khuyến khích người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã thành lập Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa Cồng chiêng với hơn 50 thành viên tham gia.

Sau đó mời nghệ nhân truyền dạy văn hóa Cồng chiêng cho người dân ngay tại nhà văn hóa, tạo ra phong trào gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ chính cộng đồng các dân tộc bản địa.

Nghệ nhân Ma Lim - người tham gia truyền dạy các lớp cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã, chia sẻ: “Bây giờ có nhà văn hóa truyền thống, có không gian tốt để người dân tộc chúng tôi tập luyện những bài cồng chiêng truyền thống. Tôi đã truyền dạy cho thế hệ trẻ, để họ biết về văn hóa của dân tộc mình. Có thể lưu truyền từ đời này sang đời khác những giá trị văn hóa của dân tộc mình, để những giá trị đó không bị mai một đi”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, công chức Văn hóa - Xã hội xã Tà Hine, cũng là chủ nhiệm CLB, cho biết: “Chúng tôi ý thức được rằng, việc thành lập và ra mắt mô hình sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch xã Tà Hine chính là nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị tích cực của không gian văn hóa cồng chiêng; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin và tạo sự phấn khởi trong Nhân dân. 

Đồng thời xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; khôi phục các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đức Trọng nói chung và các dân tộc trên địa bàn xã Tà Hine nói riêng có điều kiện thuận lợi hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm