pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Còn nhiều thách thức đối với phụ nữ dân tộc theo tôn giáo
Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em đang sinh sống
Là tỉnh miền núi ở nam Tây Nguyên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong đó, vừa có các dân tộc bản địa như: K'Ho, Ê Đê, Châu Mạ, M'Nông, Chu Ru, Cill, Lạch... vừa có các dân tộc thiểu số ở các vùng miền trong cả nước di cư đến như: Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông, Chăm, Khơ Me…
Theo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Lâm Đồng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, sự hiện diện của các tôn giáo đã góp phần đáng kể cùng tín đồ nỗ lực vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo. Tại địa phương Lâm Đồng, cùng với sự quan tâm đầu tư, nhằm từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống đồng bào của Đảng, Nhà nước, sự góp sức của các tôn giáo trong quá trình phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ làm thay đổi căn bản đời sống vật chất của đồng bào.
Tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng khá lớn với gần 225.000 người, trong đó tín đồ theo tôn giáo là phụ nữ chiếm khoảng 50%. Số cơ sở thờ tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 100 cơ sở; có 212 chức sắc là người dân tộc thiểu số.
Nếu như trước đây, đa số đồng bào đều có lối sống du canh du cư, phá rừng làm rẫy với tập quán sản xuất lạc hậu thì đến nay, đồng bào đều chủ động xây dựng đời sống định canh, định cư, tiếp thu và ứng dụng các phương thức sản xuất tiến bộ, từng bước ổn định và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Trong vùng đồng bào có đạo, tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy ít diễn ra, thu nhập bình quân đầu người, số hộ giàu và khá ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn. Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới do Đảng và Nhà nước phát động, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã tự nguyện hiến đất để làm đường, đóng góp ngày công và tài chính để cùng với chính quyền hiện đại hóa giao thông nông thôn.
Chưa có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số chủ động vươn lên
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Dơ Woang Ya Gương - cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số gốc ở Lâm Đồng, cũng như các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn Tây Nguyên có chung phong tục, tập quán hôn nhân theo chế độ mẫu hệ, dù theo tôn giáo nào hay không nhưng vai trò mẫu quyền trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng, chi phối mọi việc trong gia đình.
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn những thách thức đặt ra đối với phụ nữ dân tộc thiểu số theo tôn giáo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó là trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tỉ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo còn cao. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vươn lên.
Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, là một trong những trở ngại đối với việc tiếp cận giáo dục, y tế, sức khỏe, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, phong tục tập quán và những quan niệm không phù hợp với thời đại đã ăn sâu vào trong tiềm thức người phụ nữ dân tộc thiểu số, người phụ nữ là chủ gia đình và những công việc xã hội chủ yếu do người đàn ông gánh vác. Chính vì vậy đã cản trở sự tiếp cận của người phụ nữ dân tộc thiểu số đối với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về bình đẳng giới, về vai trò của người phụ nữ dân tộc thiểu số trong sự phát triền kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, các chính sách phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng là các chính sách áp dụng chung cho các dân tộc thiểu số cả nước nên chưa phù hợp với điều hiện, hoàn cảnh của địa phương và hiệu quả không cao.
Cũng theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, các cấp các ngành cần phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện có hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; và các chính sách liên quan hỗ trợ phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát tiển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ 2021 - 2025.